Bệnh viêm tai giữa: Những biến chứng khôn lường và cách phòng bệnh

Viêm tai giữa là bệnh có thể tấn công cả trẻ em và người lớn. Đây là một trong những căn bệnh về tai cực kỳ nguy hiểm bởi nó có thể gây tử vong cho người bệnh. Cùng tìm hiểu thêm về những triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh viêm tai giữa qua bài viết sau đây.

Viêm tai giữa là bệnh gì?

Cấu tạo của tai được chia làm 3 phần bao gồm: tai trong, tai giữa và tai ngoài.

Tai giữa là vùng không gian ở phía sau màng nhĩ, có chức năng truyền tải âm thanh từ bên ngoài vào phía tai trong. Bệnh viêm tai giữa hình thành khi vùng này bị các loại vi khuẩn, nấm tấn công. Viêm tai giữa là tình trạng viêm toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm, thường có tạo dịch trong hòm nhĩ. Dịch này có thể nhiễm trùng hoặc vô trùng.

Cấu tạo của tai

Cấu tạo của tai

Đây là một căn bệnh phổ biến nhất trong những bệnh lý về tai và được xếp vào nhóm bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên. Theo thống kê, tại Việt Nam có khoảng 12% dân số bị viêm tai giữa, trong đó có tới 80% bệnh nhân là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa

Bệnh viêm tai giữa tấn công cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên, với mỗi đối tượng lại do những nguyên nhân khác nhau:

Trẻ bị viêm tai giữa do đâu?

Nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ em chủ yếu là do cấu tạo vòi nhĩ lúc này phát triển chưa đầy đủ, kích thước ngắn. Vì thế, các loại vi khuẩn, dịch tiết ở họng, mũi dễ lan đến tai và gây bệnh.

Bên cạnh đó, nếu như trẻ bị các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm mũi… thì cũng sẽ tạo điều kiện cho một số loại vi khuẩn xâm nhập lên vùng tai giữa và gây bệnh.

Bơi lội ở vùng nước ô nhiễm có thể gây viêm tai giữa

Bơi lội ở vùng nước ô nhiễm có thể gây viêm tai giữa

Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa ở người lớn

Đối với người lớn: Do lúc này cấu trúc tai đã phát triển hoàn thiện nên hiếm gặp các nguyên nhân gây viêm tai giữa như trẻ nhỏ. Thông thường với người lớn viêm tai chủ yếu do một số nguyên nhân sau:

  • Do bị viêm nhiễm vùng mũi họng gây ra bởi vi trùng hoặc siêu vi
  • Do tắc vòi nhĩ, thường gặp do sùi, do viêm mũi xoang mủ, u ở vòm họng. Do viêm từ tai ngoài hoặc biến chứng từ một số bệnh như viêm mũi, viêm xoang
  • Do viêm tai giữa từ nhỏ chưa được điều trị triệt để dần thành viêm tai giữa mãn tính.
  • Do dùng vật cứng, nhọn hay dùng chung các dụng cụ ngoáy tai làm tai bị tổn thương hay nước bẩn có điều kiện xâm nhập vào tai.
  • Có trường hợp bị mắc bệnh do viêm nhiễm đường hô hấp, do bệnh lý trào ngược, dị nguyên hoặc không khí ô nhiễm, thời tiết lạnh cũng là những tác nhân gây viêm tai giữa hiện nay.

Biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa

Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con… ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa phát triển lời nói, sẽ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói không rõ âm, từ…) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.

Viêm tai giữa có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não

Viêm tai giữa có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não

Ngoài ra, ở cả người lớn và trẻ em, viêm tai giữa còn có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Viêm tai giữa mạn, có/không có cholesteatoma
  • Viêm xương chủm cấp
  • Viêm mê nhĩ
  • Nặng hơn nữa là những biến chứng nhiễm trùng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Viêm tai giữa cấp có thể dẫn đến những biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên, gây liệt dây thần kinh mặt (dây số VII)…

Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa

Dấu hiệu nhận biết căn bệnh này ở trẻ em và người lớn là khác nhau. Cụ thể như sau:

Biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ em

Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ thường có các triệu chứng sau:

  • Trẻ sốt cao 39 – 40oC, quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, co giật…
  • Nếu là trẻ lớn, sẽ kêu đau tai, còn trẻ nhỏ chỉ biết lắc đầu, lấy tay dụi vào tai.
  • Rối loạn tiêu hóa: trẻ đi ngoài lỏng, nhiều lần, xuất hiện gần như đồng thời với triệu chứng sốt.

Triệu chứng viêm tai giữa ở người lớn

Người lớn bị viêm tai giữa sẽ thấy đau tai. Cảm giác đau tai sẽ xuất hiện nhiều lần trong ngày, đôi khi có cảm giác nhói, giật giật bên tai rất khó chịu. Tình trạng đau có thể lan lên đầu, làm cho một hoặc cả hai bên tai tê cứng, sờ vào cảm thấy nóng, hơi sưng.

Người bị viêm tai giữa sẽ thấy đau tai, ù tai, bị giảm thính lực

Người bị viêm tai giữa sẽ thấy đau tai, ù tai, bị giảm thính lực

Bên cạnh đó, người bệnh còn cảm thấy ù tai, giảm sức nghe, cảm giác nặng tai hay nghe lọc ọc trong tai.

Hiện tượng chảy dịch mủ tai: Dịch mủ trong tai sẽ rỉ, chảy ra bên ngoài theo từng đợt hoặc theo ngày, nhất là khi thời tiết thay đổi. Dịch mủ có màu vàng, trong trường hợp viêm tai xương chủm thì mủ sẽ có mùi khó chịu.

Nếu có dấu hiệu này thì bạn có thể chắc chắn mình đã bị viêm tai giữa và cần đi thăm khám ngay để tránh các biến chứng phức tạp, nguy hiểm xảy ra.

Phân biệt viêm tai giữa cấp và mãn tính:

Thời gian: người bệnh bị chảy mủ tai liên tục trên 3 tháng được gọi là mãn tính. Tuy nhiên, không phải cứ nhất nhất sau 3 tháng, bệnh mới chuyển sang giai đoạn mãn. Người bệnh có thể bị viêm tai giữa mãn tính ngay tháng thứ 2 nếu không điều trị tích cực.

– Phân biệt 2 dạng viêm tai giữa qua triệu chứng lâm sàng:

– Phân biệt 2 dạng qua phương pháp nội soi:

  • Viêm tai giữa cấp: thường thủng nhĩ nhỏ hoặc không thủng
  • Viêm tai giữa mãn: thường thủng rộng.

Chẩn đoán viêm tai giữa bằng cách nào?

Các bác sĩ sẽ dựa vào 2 phương pháp chẩn đoán thông thường:

Chẩn đoán viêm tai giữa bằng cách nào?

Chẩn đoán viêm tai giữa bằng cách nào?

  • Khám lâm sàng: Dựa vào hỏi bệnh, khám tai thông thường bằng đèn đội đầu (đèn clar).
  • Nội soi tai: Ngày nay nội soi rất phát triển, có thể khám được ở mọi lứa tuổi, kể cả em bé rất nhỏ. Nội soi tai giúp phát hiện xung huyết, tụ mủ, vỡ mủ (và dấu hiệu màng nhĩ phồng có độ đặc hiệu cao nhất 97% – NC thế giới)

Phương pháp điều trị viêm tai giữa

Việc chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa nhất định phải do các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm tiến hành. Từ đó, tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà có cách điều trị khác nhau.

Giai đoạn đầu, khi màng nhĩ chưa thủng, thường phải dùng kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, chống viêm và giảm xung huyết màng nhĩ, sát trùng mũi họng. Ngoài ra nếu trẻ bị rối loạn tiêu hóa nặng thì cần được phối hợp điều trị bởi các thầy thuốc nhi khoa.

Điều trị xử lý triệt để các bệnh liên quan vùng mũi họng như: Viêm amidan, viêm họng, nhiệt miệng, viêm mũi, viêm xoang, viêm quanh răng….

Giai đoạn muộn, màng nhĩ đã thủng; ngoài các thuốc điều trị toàn thân, cần phải tiến hành làm thuốc tai hàng ngày tại các cơ sở tai mũi họng. Trẻ sau đó phải được theo dõi tình hình lỗ thủng màng nhĩ bởi các thầy thuốc chuyên khoa.

Điều trị viêm tai giữa bằng các loại thuốc

Điều trị viêm tai giữa bằng các loại thuốc

Một số trường hợp viêm tai giữa nhưng điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả phải chích rạch màng nhĩ – đặt ống thông nhĩ Diabolo, hay nạo viêm amidan. Nạo viêm amidan được thực hiện nếu như viêm tai giữa có kèm theo các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên do tắc nghẽn bởi viêm amidan phì đại.

Nếu bệnh nhân có những biến chứng nguy hiểm và việc điều trị nội khoa tối ưu không mang lại kết quả khả quan, thì có thể cần đến các phẫu thuật hòm nhĩ và khoét xương chũm.

Phòng bệnh viêm tai giữa như thế nào?

Dưới đây là cách phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này cho người lớn và trẻ em:

Phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ em

Có nhiều cách để làm giảm nguy cơ bị nhiễm trùng tai:

  • Rửa tay và bàn tay trẻ thường xuyên.
  • Cách ly các đồ vật không sạch sẽ ra khỏi trẻ mới biết đi hoặc miệng của bé.
  • Tránh môi trường khói thuốc hoặc nơi mà người ta thường xuyên hút thuốc.
  • Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.
  • Không nên tiếp tục sử dụng núm vú giả khi bé đã được 1 tuổi.
  • Cho con bú sữa mẹ nếu có thể, vì nó có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa.

Cách phòng tránh viêm tai giữa ở người lớn

Đối với người lớn, để phòng bệnh viêm tai giữa cần lưu ý:

  • Khi vệ sinh tai cần phải nhẹ nhàng, cẩn thận tránh làm tổn thương niêm mạc tai hoặc thậm chí thủng màng nhĩ gây viêm tai giữa.
  • Không để nước bẩn xâm nhập vào tai (chú ý khi gội đầu và khi đi bơi).
  • Điều trị triệt để các bệnh lý về mũi họng khác.

Trên đây là những thông tin về bệnh viêm tai giữa. Mong rằng nó sẽ có ích cho bạn. Chúc bạn luôn có nhiều sức khỏe!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo