Viêm tai xương chũm: Những biến chứng nguy hiểm của bệnh và cách phòng tránh

Viêm tai xương chũm là một căn bệnh có thể gây nhiều biến chứng khôn lường nếu không được điều trị kịp thời. Nhận biết sớm những dấu hiệu của bệnh này là cách giúp bạn thoát khỏi những nguy hiểm do viêm tai xương chũm gây ra. Bài viết sau đây sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan hơn về căn bệnh này.

Viêm tai xương chũm là bệnh gì?

Viêm xương chũm là hiện tượng tổn thương lan vào xương chũm ở xung quanh sào bào và tai giữa. Quy trình viêm kéo dài thường không đến 3 tháng, khác với phản ứng xương chũm do mủ ứ đọng trong tai giữa gây nên, phản ứng xương chũm này chỉ kéo dài từ 5 – 7 ngày là khỏi.

Bệnh tích chủ yếu là viêm loãng xương và viêm tắc mạch máu xương, các vách ngăn giữa các tế bào xương bị phá hủy dần, biến thành xương mục gây nhiều biến chứng.

Hình ảnh bệnh viêm tai xương chũm

Hình ảnh bệnh viêm tai xương chũm

Viêm tai xương chũm được chia làm 2 loại bao gồm viêm xương tai chũm cấp tính và viêm tai xương chũm mãn tính.

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tai xương chũm?

Các triệu chứng thông thường của viêm tai xương chũm có thể bao gồm:

  • Tai có mủ
  • Đau tai hoặc cảm thấy rất khó chịu ở tai
  • Giảm khả năng nghe hoặc mất thính giác
  • Tai hoặc vùng sau tai bị sưng, đỏ tấy
  • Sốt cao đột ngột
  • Đau đầu

Dưới đây là những dấu hiệu để nhận biết viêm tai xương chũm cấp tính và mãn tĩnh:

– Viêm tai xương chũm cấp tính:

Bệnh thường xuất hiện sau khi bệnh nhân bị viêm tai giữa khoảng 3 tuần. Người bệnh thường có các triệu chứng như sau:

  • Sốt, nghe kém, có thể có các phản ứng như mê sảng, co giật.
  • Đau sâu trong tai theo nhịp mạch đập và đau phần xương chũm phía sau tai.
  • Tai chảy mủ và mủ có mùi thối. Mủ chảy ra ngoài tai sau khi phá vỡ các lớp bảo vệ xung quanh gây ra viêm tai xương chũm xuất ngoại.
  • Mủ có thể làm sưng phồng ở trước trên nắp bình tai hay phía sau tai, mủ chảy xuống vùng cổ dọc theo cơ cổ ức đòn chũm làm sưng tấy vùng cổ…

Triệu chứng viêm tai xương chũm

Triệu chứng viêm tai xương chũm

– Viêm tai xương chũm mãn tính:

Đây là tình trạng tai bị chảy mủ thối kéo dài trên 3 tháng. Người bệnh thường thấy:

  • Nhức, nặng đầu bên phía tai bệnh, đau âm ỉ, đôi lúc cực đau.
  • Mủ tai thối hoặc thối khẳn như cóc chết báo hiệu nguy hiểm trong tai có chứa chất cholesteatoma có khả năng ăn mòn xương gây biến chứng nội sọ.
  • Trong tai có lỗ thủng rộng, sát xương, bờ lỗ thủng nham nhở, đáy lỗ thủng bẩn.
  • Sức nghe giảm sút.

Viêm tai xương chũm gây biến chứng gì?

Những biến chứng của bệnh viêm tai xương chũm rất nguy hiểm. Bạn cần phải cảnh giác với căn bệnh này. Dưới đây là những rủi ro bạn có thể mắc phải khi bị viêm tai xương chũm:

Viêm màng não

Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của viêm tai xương chũm. Đầu tiên, người bệnh có thể bị viêm màng não khu trú. Sau đó vài giờ, vài ngày hoặc lâu hơn, nó sẽ phát triển thành viêm màng não toàn thể.

Vi khuẩn sau khi vượt qua được hàng rào ngăn cản trong viêm màng não khu trú sẽ nhân lên nhanh chóng trong dịch não tuỷ, chúng sử dụng glucose và gây nhiễm trùng, viêm màng nhện và màng nuôi bao quanh não và tuỷ sống.

Viêm màng não - Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm tai xương chũm

Viêm màng não – Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm tai xương chũm

Viêm màng não thường xuất hiện sau đợt hồi viêm, vi khuẩn có thể xâm nhập màng não bằng nhiều cách:

  • Qua đường máu
  • Qua ổ viêm xương ở trần thượng nhĩ, ở nhóm tế bào sau mê nhĩ hay qua ổ viêm mê nhĩ gây áp xe não hoặc qua ổ viêm ở tĩnh mạch bên viêm ngoài tĩnh mạch viêm tắc tĩnh mạch. qua ổ viêm ở não .
  • Vi khuẩn gây bệnh thường cùng loại với vi khuẩn gây viêm tai. Nhưng trong viêm tai xương chũm mạn tính nhiều khi có vi khuẩn bội nhiễm thêm vào.

Áp xe não

Viêm tai xương chũm mạn tính có thể gây áp xe não rất nguy hiểm. Ở nước ta hiện nay áp xe não là một biến chứng hay gặp. Có 2 loại áp xe não là áp xe đại não hoặc tiểu não.

Áp xe đại não có nhiều nguyên nhân, nhưng do tai chiếm 50%, còn áp xe tiểu não thì hầu hết là do viêm tai xương chũm gây lên.

Viêm tĩnh mạch bên, nhiễm khuẩn huyết

Có nhiều dạng viêm tĩnh mạch bên và nhiễm khuẩn huyết như: Tĩnh mạch bên, tĩnh mạch dọc trên, xoang tĩnh mạch hang, tĩnh mạch thoát.

Trong các loại này tĩnh mạch bên là hay bị nhất và nó là biến chứng thường gặp của viêm tai xương chũm vì tĩnh mạch bên có đường kính lớn, có đường đi ngoằn ngoèo, tốc độ chảy của dòng máu chậm.

Liệt mặt

Viêm tai, viêm tai xương chũm cấp và mãn tính đều có thể gây ra liệt mặt thể ngoại biên. Liệt vận động các cơ mặt thể hiện rất khác nhau:

Người bị viêm tai xương chũm dễ bị liệt mặt

Người bị viêm tai xương chũm dễ bị liệt mặt

  • Ở thể nhẹ nhất, lúc biểu thị thái độ nét mặt mới thấy mặt mất cân xứng và khép mi không thật kín.
  • Thể nặng: liệt hoàn toàn, mất các nếp nhăn trán, rãnh mũi má, nhân trung lệch, cười, khóc… mồm méo xệch về bên phía lành, mắt phía bên liệt nhắm không kín.

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm tai xương chũm

Để chẩn đoán bệnh, người ta dựa vào các dấu hiệu lâm sàng gợi ý và các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ.

Soi tai:

Khi soi tai sẽ thấy ống tai ngoài nhiều mủ thối, có vảy óng ánh khi có cholesteatoma, màng tai thủng rộng, không đều, sát thành xương, da thành sau ống tai ngoài bong ra làm cho thành sau ống tai như sập xuống, che lấp một phần màng tai (nhĩ).

Viêm tai xương chũm xuất ngoại: sau tai (rãnh sau tai mất, vành tai bị đẩy ra trước). Sưng vùng thái dương, vùng trán kèm theo phù nề mi mắt. Phần trên cơ ức đòn chũm đầy, phồng.

Xét nghiệm máu:

Ccông thức máu bạch cầu cao. Người cao tuổi cần thử đường huyết; Xquang thường: để chẩn đoán viêm tai xương chũm, người ta thường sử dụng 2 phim:

  • Phim Schüller thấy toàn bộ xương chũm mờ đều, vách ngăn tế bào bị bào mòn, một số tế bào nhỏ ăn thông với nhau hoặc biến thành những đám mờ hoặc ổ tiêu xương (nếu có cholesteatoma).
  • Phim Chausse III có thể thấy tiêu hủy xương con, rò ống bán khuyên ngoài, mất cựa sau trên nhĩ;

Người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán viêm tai xương chũm

Người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán viêm tai xương chũm

Chụp cắt lớp vi tính tai:

Để xác định chính xác tình trạng viêm của tai và xương chũm một cách chính xác nhất. Thính lực đồ biểu hiện điếc dẫn truyền, tiếp nhận hoặc hỗn hợp tùy theo tình trạng và mức độ tổn thương của bệnh.

Cách điều trị viêm tai xương chũm

Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm nếu không được xử trí đúng sẽ đưa đến viêm tai xương chũm xuất ngoại và các biến chứng. Vì vậy, việc cơ bản là phát hiện sớm và điều trị đúng. Có 2 phương pháp chính được sử dụng:

  • Ngoại khoa: Phẫu thuật chữa viêm hoặc biến chứng (nếu có) và điều trị nội khoa sau phẫu thuật.
  • Nội khoa: Điều trị bằng kháng sinh, chống viêm, hạ sốt, giảm đau.

Cần điều trị sớm để tránh các biến chứng viêm tai và phải điều trị triệt để, đúng phác đồ bệnh lý tai khi đã bị viêm. Đối với từng loại viêm tai xương chũm, người bệnh sẽ được chỉ định các phương pháp khác nhau.

Điều trị viêm tai xương chũm cấp tính

Trước đây, viêm tai xương chũm cấp tính thì phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật khoét rộng xương chũm kết hợp điều trị nội khoa bằng kháng sinh toàn thân và chống viêm.

Hiện tại một số trường hợp viêm tai xương chũm đã có thể điều trị nội khoa bằng thuốc tiêm sau khi đã trích rạch mở rộng lỗ dẫn lưu ở màng nhĩ với sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

Điều trị dứt điểm bệnh viêm tai xương chũm để tránh những biến chứng nguy hiểm

Điều trị dứt điểm bệnh viêm tai xương chũm để tránh những biến chứng nguy hiểm

Chữa viêm tai xương chũm mãn tính thế nào?

Nếu bị viêm tai xương chũm mãn, bạn nên đi phẫu thuật sớm để tránh tai bị viêm nhiễm nặng hơn.

Viêm tai xương chũm dù cấp hay mãn tính đều có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như liệt dây vận động cơ mặt, áp xe cổ, áp xe quanh họng… rất nguy hiểm có thể gây tử vong cho người bệnh.

Cách phòng ngừa bệnh viêm tai xương chũm

Vì viêm tai xương chũm là bệnh phát triển từ viêm tai giữa, đây lại là căn bệnh mà trẻ em rất hay gặp phải. Do đó, cần phòng tránh cho trẻ như sau:

  • Bảo đảm vệ sinh mũi họng: tránh tập trung đông trẻ em ở những nơi thiếu vệ sinh. Nơi nằm của em bé phải có màn che ruồi muỗi. Tã và chăn phải được giặt rũ sạch sẽ. Tuyệt đối không cho trẻ nằm lăn dưới đất.
  • Mỗi khi trẻ bị viêm mũi hay viêm tai, phải điều trị ngay lập tứt, dứt điểm cho trẻ.
  • Cho ăn uống đúng quy cách: Tránh những rối loạn tiêu hóa do ăn uống gây ra, rối loạn dinh dưỡng ở bé và suy nhược cơ thể thường là tiền đề cho viêm tai xương chũm thể tiềm tàng hoặc thể ẩn.
  • Nên nuôi con bằng sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời.

Phòng bệnh viêm tai xương chũm đối với người lớn:

Ở người lớn, cần phòng tránh căn bệnh này bằng cách như sau:

  • Điều trị tích cực các nguyên nhân gây viêm tai giữa: điều trị viêm mũi họng, nạo V.A.
  • Điều trị tích cực viêm tai giữa mạn tính.
  • Theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng

Trên đây là những kiến thức về bệnh viêm tai xương chũm. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn và gia đình luôn có nhiều sức khỏe!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo