Viêm tai giữa cấp và những biến chứng nguy hiểm, cách phòng bệnh ra sao?

Viêm tai giữa cấp tính gây ra những hiểm họa khôn lường. Nguy hiểm hơn nữa, đây còn là một căn bệnh thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh là gì? Làm thế nào để phòng tránh được viêm tai giữa cấp? Bài viết sau đây sẽ mang đến cho bạn câu trả lời.

Viêm tai giữa cấp là bệnh gì?

Viêm tai giữa cấp là tình trạng niêm mạc hòm nhĩ, vòi nhĩ và niêm mạc lót trong tế bào hơi của xương chũm bị viêm cấp. Đây là hiện tượng bệnh lý trong tai giữa xuất hiện dịch, kèm thêm các triệu chứng nhiễm trùng như đau, sốt, màng nhĩ phồng lên và sức nghe kém.

Vì vị trí giải phẫu của tai và xương chũm rất gần với não và tĩnh mạch, nếu viêm tai giữa cấp biến chứng sẽ gây nhiều nguy hiểm như thủng màng nhĩ hay có thể dẫn tới tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa cấp

Tai giữa được nối với mặt sau của mũi thông qua một kênh nhỏ có tên là ống Eustachian. Khi bị mắc các bệnh như cúm, sởi hay viêm xoang, viêm v.a, viêm amidan… ống Eustachian có thể bị tắc nghẽn. Lúc này các vi khuẩn xâm nhập vào tai giữa qua kênh này không bị đào thải ngược trở ra như bình thường mà bị kẹt lại gây nhiễm trùng tai.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp

Viêm VA là 1 nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp

Do cấu trúc ống tai của trẻ em chưa hoàn thiện nên đây là đối tượng dễ mắc viêm tai giữa cấp nhất.

Ngoài ra nguyên nhân gây bệnh còn có thể do những chấn thương ở tai làm tai bị tổn thương hay thủng màng nhĩ…

Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm tai giữa cấp

Triệu chứng của viêm tai giữa cấp có nhiều dạng tùy thuộc theo nguyên nhân và tình trạng gây bệnh. Ở thể điển hình có thể chia diễn biến của viêm tai giữa cấp làm 2 giai đoạn: Khởi phát và toàn phát.

  • Ở giai đoạn khởi phát:

Lúc này hòm nhĩ chưa xuất hiện mủ, người bệnh có thể sốt cao 39 – 40 độ. Ban đầu, tai sẽ có cảm giác ngứa sau đó đau dữ dội, sức nghe giảm.

Khi soi tai thấy màng nhĩ bị xung huyết đỏ ở góc sau trên hoặc dọc cán xương búa hay vùng màng trùng.

  • Giai đoạn toàn phát:

Khi người bệnh vào giai đoạn toàn phát, nếu màng nhĩ chưa vỡ bệnh nhân vẫn có biểu hiện sốt cao, người mệt mỏi, có thể co giật. Bên cạnh đó là một số triệu chứng như: rối loạn tiêu hóa kèm đau tai dữ dội, đau sâu trong tai và mức độ đau tăng dần.

Khi khám màng nhĩ sẽ thấy nề đỏ. Nặng hơn có thể phồng lên như mặt kính đồng hồ. Tới thời kỳ vỡ mủ bệnh nhân thấy hết đau tai và sốt. Tuy nhiên ống tai chứa đầy mủ. Tới khi lau sạch thì sẽ thấy bệnh nhân đã thủng màng nhĩ.

Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa

Hình ảnh nội soi màng nhĩ bệnh nhân bị viêm tai giữa

Phân loại các dạng viêm tai giữa cấp:

Có 3 dạng viêm tai giữa, tùy thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng gây bệnh:

  • Viêm tai giữa cấp tính xuất tiết dịch thấm
  • Viêm tai giữa cấp tính xung huyết
  • Viêm tai giữa cấp tính có mủ

Bạn nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác chứng bệnh. Từ đó có cách điều trị thích hợp.

Những biến chứng khi viêm tai giữa thủng màng nhĩ

Bệnh viêm tai giữa cấp thường có diễn biến âm thầm nên người bệnh thường không để ý, nhất là các em nhỏ. Bệnh ban đầu cũng không có biểu hiện rõ rệt về thính lực, đau khi màng nhĩ bị tổn thương nhẹ cũng không kéo dài và rõ ràng.

Tuy nhiên việc rách màng nhĩ ngăn cách tai ngoài và tai giữa lại khiến vi khuẩn cùng vi trùng dễ xâm nhập vào bên trong tai khiến tai dễ bị nhiễm trùng, tăng khả năng bị viêm tai xương chũm và nguy cơ vùng viêm lan rộng.

Biến chứng của viêm tai giữa cấp

Viêm tai giữa cấp làm suy giảm thính lực, thậm chí có thể dẫn đến khiếm thính

Viêm tai giữa điều trị sớm và kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn không để lại bất cứ di chứng nào. Nếu không chữa trị kịp thời, sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm cấp, thủng màng nhĩ hoặc viêm tai giữa mạn tính, liệt mặt, nghe kém hoặc điếc. Đồng thời có thể ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ.

Khả năng hồi phục sau khi bị thủng màng nhĩ cao nhất chỉ từ 70 – 80%, nặng sẽ không thể hồi phục.

Nếu xảy ra ở trẻ nhỏ, xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt, viêm xương chũm. Nguy hiểm hơn là biến chứng nội sọ như viêm màng não, viêm não, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên… thậm chí có thể gây tử vong.

Cách chẩn đoán bệnh viêm tai giữa cấp

Dựa vào các biểu hiện lâm sàng như: bệnh nhân bị viêm mũi họng, viêm VA, sốt cao, than đau tai… mà bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ thực hiện nội soi màng nhĩ xem có hiện tượng xung huyết hay sưng phồng hay không.

Hình ảnh nội soi viêm tai giữa cấp

Những triệu chứng ở màng nhĩ khi bị viêm tai giữa cấp

Cách điều trị viêm tai giữa cấp

Tùy vào tình trạng và giai đoạn của bệnh mà có hướng điều trị thích hợp. Thông thường bệnh nhân sẽ được điều trị với kháng sinh, kháng viêm, giảm đau và nhỏ thuốc tai.

Các loại thuốc nói trên phải có sự chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thì bạn mới được dùng. Nhờ có nhiều kháng sinh hiệu quả, ngày nay viêm tai giữa cấp thường ít dẫn đến biến chứng. Triệu chứng thường thuyên giảm trong vòng 48 giờ sau khi dùng kháng sinh.

Bệnh nhân thường được điều trị ngoại trú với kháng sinh uống, được dặn tái khám ngay nếu triệu chứng không giảm sau 48 – 72 giờ hoặc triệu chứng nặng hơn, đe dọa có biến chứng. Bệnh nhân có biến chứng cần được nhập viện điều trị tích cực và thường phải can thiệp phẫu thuật.

Trong trường hợp màng nhĩ thủng và có mủ, vấn đề vệ sinh tai và rửa tai mỗi ngày là cần thiết.

Trích rạch màng nhĩ hay đặt ống thông nhĩ khi cần thiết. Trong trường hợp bị biến chứng tụ mủ ở xương thái dương, bệnh nhân cần được dẫn lưu mủ lâu hơn: cần đặt ống thông nhĩ, thường làm dưới gây mê. Đặt ống thông nhĩ còn được chỉ định trong trường hợp viêm tai giữa cấp tái phát nhiều lần.

Điều trị viêm tai giữa cấp

Người bệnh cần tới các cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời

Người bệnh cần làm gì khi bị viêm tai giữa cấp?

Khi bị viêm tai giữa, nên đến cơ sở chuyên khoa hoặc bệnh viện Tai mũi họng gần nhất để được khám và có hướng điều trị thích hợp.

Không nên tự ý dùng thuốc “dân gian” nhỏ vào tai như dầu, thuốc bột, thuốc nước tự pha chế, sẽ gây nhiễm trùng và biến chứng nặng hoặc có thể điếc vĩnh viễn…

Phòng tránh bệnh viêm tai giữa như thế nào?

Bạn cần lưu ý những điều sau đây để phòng tránh viêm tai giữa cấp, đặc biệt là phòng bệnh cho trẻ em:

  • Cần phát hiện và điều trị những bệnh lý vùng mũi họng càng sớm càng tốt. Khi chảy mủ tai cần khám chuyên khoa Tai mũi họng ngay, điều trị kịp thời tránh biến chứng.
  • Hỉ mũi đúng cách, bịt lỗ mũi bên này hỉ mũi bên kia nhẹ nhàng. Không nên bịt cả 2 mũi và xì mạnh vì khi  làm như vậy vô tình đưa vi khuẩn từ vùng mũi họng vào tai giữa.
  • Nên nạo VA ở trẻ hay bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần.
  • Khi trẻ em bị cảm cúm, nhiễm siêu vi phải theo dõi sát tình trạng viêm tai giữa, tích cực điều trị viêm mũi họng, vệ sinh mũi thông thoáng, sạch.
  • Sau khi cho trẻ đi tắm hồ bơi, biển phải vệ sinh vùng mũi họng bằng nước muối sinh lý.
  • Ngoài ra, có thể tiêm chủng ngừa vi khuẩn phế cầu, Streptococcus pneumoniae (vi khuẩn thường gặp nhất trong viêm tai giữa).
  • Trẻ sơ sinh không cho bú bình ở tư thế nằm vì như vậy sữa có thể vào tai giữa qua vòi nhĩ.
  • Cải thiện điều kiện vệ sinh, môi trường, nhà ở sạch sẽ.

Viêm tai giữa cấp là một căn bệnh rất nguy hiểm và cần được phát hiện sớm, điều trị càng nhanh càng tốt để tránh những biến chứng nguy hiểm. Cần bảo vệ bản thân và gia đình phòng ngừa viêm tai giữa để tránh những biến chứng khó lường của căn bệnh này. Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!

Xem thêm video: Viêm tai giữa – Triệu chứng, nguyên nhân và cach điều trị

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo