Viêm tai giữa thanh dịch là bệnh gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Viêm tai giữa thanh dịch là một trong những bệnh lý về tai khá nguy hiểm. Bởi bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, mà những triệu chứng của nó lại thường bị bỏ qua. Bệnh xuất hiện do nhiều nguyên nhân. Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm cho bạn một số thông tin về bệnh này.

Viêm tai giữa thanh dịch là gì?

Viêm tai giữa thanh dịch hay còn gọi là viêm tai màng nhĩ đóng kín, là tình trạng xuất hiện dịch nhầy vô khuẩn trong hòm tai. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Viêm tai giữa thanh dịch là hiện tượng tắc vòi nhĩ làm cho sự thông khí từ hòm nhĩ bị ngưng trệ khiến áp suất trong hòm nhĩ giảm dần. Khi đó niêm mạc hòm nhĩ sẽ tiết dịch nhày làm hòm nhĩ ứ dịch, ảnh hưởng tới thính lực của người bệnh.

Viêm tai giữa thanh dịch là bệnh gì?

Viêm tai giữa thanh dịch là bệnh gì?

Về mặt thời gian, viêm tai giữa thanh dịch có thể xếp làm 3 thể:

  • Thể cấp khi bệnh kéo dài trong thời gian 3 tuần trở lại
  • Thể bán cấp khi thời gian bệnh trong vòng từ 3 tuần tới 3 tháng
  • Thể mãn khi bệnh kéo dài hơn 3 tháng

Nguyên nhân gây viêm tai giữa thanh dịch

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm tai giữa, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

  • Một trong những nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do rối loạn chức năng vòi Eustache, gây ra tắc vòi nhĩ cơ năng.
  • Một số yếu tố như VA phì đại, u nang bẩm sinh hay u xơ vùng vòm mũi họng… chèn ép làm tắc vòi nhĩ cơ học
  • Viêm nhiễm làm phù nề niêm mạc
  • Do nhiễm trùng đường hô hấp trên, dị ứng và rối loạn chức năng lông chuyển, bất thường nguyên phát hoặc thứ phát niêm mạc đường hô hấp.
  • Viêm tai giữa thanh dịch do các vi trùng hiếu khí.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm tai giữa thanh dịch

Bệnh có biểu hiện lâm sàng khá là “mờ nhạt”, bệnh nhân ù tai, có cảm giác đầy nặng tai, nghe tiếng vang trong đầu, tiếng vang trong tai kèm theo nghe kém. Trẻ em cảm nhận về các triệu chứng này không rõ.

Nhiều khi do trẻ không nghe rõ nên học kém, gọi hỏi không trả lời và còn bị cho là trẻ bướng bỉnh nên dễ bị bỏ qua. Giảm thính lực trong giai đoạn trẻ học nói còn ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ.

Người bị viêm tai giữa thanh dịch thường giảm thính lực

Người bị viêm tai giữa thanh dịch thường giảm thính lực

Trẻ lớn có cảm giác nặng tai, đầy tai, ù tai, hay kéo vành tai để nghe. Các bậc phụ huynh cần lưu ý nếu thấy trẻ có hiện tượng nghe kém hơn trước nên đưa trẻ đi khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được làm các phương pháp chẩn đoán viêm tai giữa thanh dịch.

Ngoài các triệu chứng ở tai, bệnh nhân còn có các biểu hiện khác như ngạt mũi, chảy mũi, hắt hơi…

Chẩn đoán viêm tai giữa thanh dịch như thế nào?

Người bệnh sẽ được thực hiện 1 số thủ thuật như: khám lâm sàng, soi tai, nội soi… để phát hiện được bệnh.

  • Khám nội soi tai mũi họng sẽ thấy những biểu hiện đặc biệt như:

Màng nhĩ không thủng, nón sáng bị thu hẹp hoặc mất, màng nhĩ có biến đổi màu sắc: màng nhĩ dầy, mờ đục, có khi màng nhĩ màu vàng hoặc ánh vàng, có khi có mức dịch sau màng nhĩ, màng nhĩ có thể phồng do ứ dịch hoặc lõm do xơ dính, màng nhĩ hạn chế hoặc không di động khi tạo áp lực lên màng nhĩ.

  • Khám mũi họng: sẽ thấy các nguyên nhân như VA quá phát, viêm amidan, khối u vòm mũi họng, khe mũi nhiều mủ hoặc dịch nhầy, polyp mũi, dị hình vách ngăn mũi,
  • Các xét nghiệm chuyên khoa như: đo thính lực, đo nhĩ lượng sẽ xác định tình trạng hòm tai.

Một số biến chứng của viêm tai giữa thanh dịch

Viêm tai giữa thanh dịch nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn gây bệnh viêm tai giữa tụ mủ, nếu tiếp tục không điều trị sẽ dẫn đến biến chứng thủng nhĩ, thậm chí suy giảm chức năng nghe, gây cản trở không nhỏ đến quá trình phát triển ngôn ngữ dẫn tới ảnh hưởng phát triển trí thông minh của trẻ.

Biến chứng của viêm tai giữa thanh dịch

Biến chứng của viêm tai giữa thanh dịch

Bệnh diễn diến kéo dài nếu không được điều trị sẽ khiến màng nhĩ co lõm, dính tạo thành túi co kéo, tình trạng nghe kém ngày càng tăng. Túi co kéo của màng nhĩ là điều kiện gây nên viêm tai giữa nguy hiểm (Viêm tai giữa có Cholesteatoma) dễ gây biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp xe não…

Điều trị bệnh viêm tai giữa thanh dịch thế nào?

Phương pháp trị bệnh chủ yếu là nội khoa, đôi khi phải kết hợp cả điều trị nội khoa với ngoại khoa. Mục đích của việc chữa trị là tái tạo lại sự hoạt động bình thường của vòi nhĩ, giảm dần tình trạng tiết dịch của niêm mạc hòm tai.

  • Điều trị nội khoa: sử dụng một số loại kháng sinh chống nhiễm khuẩn mũi họng, corticoid, kháng histamin và thuốc tan, loãng dịch nhày.
  • Điều trị ngoại khoa: thực hiện 1 số tiểu phẫu như: chích rạch màng nhĩ khi hòm tai ứ dịch, màng nhĩ căng phồng hoặc đặt ống thông khí hòm nhĩ khi màng nhĩ lõm, dính.

Ngoài ra, nếu nguyên nhân gây viêm tai giữa thanh dịch là do các bệnh lý về mũi họng khác, cần điều trị triệt để các căn bệnh này bằng thủ thuật như: Nạo VA, cắt Amidan, chỉnh hình vách ngăn, chỉnh hình cuốn mũi, lấy bỏ các khối u vòm mũi họng… để điều trị dứt điểm viêm tai giữa thanh dịch.

Điều trị viêm tai giữa thanh dịch

Điều trị viêm tai giữa thanh dịch

Phòng bệnh viêm tai giữa thanh dịch ra sao?

Để phòng ngừa viêm tai giữa thanh dịch, bạn cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ vùng mũi, họng.

Khi có những triệu chứng như ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi, ù tai… cũng như các bệnh về tai mũi họng như: viêm họng, viêm VA, viêm tai, viêm mũi… cần điều trị nhanh chóng dứt điểm. Tránh để bệnh biến tướng gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.

Khi điều trị một thời gian mà không thấy bệnh tình thuyên giảm, cần đến các cơ sở y tế để khám và chữa trị theo chỉ định của bác sĩ.

Trên đây là những thông tin về bệnh viêm tai giữa thanh dịch mà chúng tôi muốn cung cấp cho bạn. Ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường ở tai, cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh chóng. Chúc các bạn luôn có nhiều sức khỏe!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo