Viêm phế quản mạn tính là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa
Những triệu chứng viêm phế quản mãn tính bạn nên phát hiện sớm để điều trị kịp thời tránh những biến chứng xấu.
Khi nào thì được gọi là viêm phế quản mạn tính?
Người bệnh bị coi là mắc viêm phế quản mạn tính khi xuất hiện tình trạng ho và khạc đờm liên tục hoặc tái phát theo từng đợt. Ít nhất là 3 tháng trong 1 năm và có ít nhất là 2 năm liên tiếp có các triệu chứng như vậy.
Cần xác định rõ và loại trừ các loại bệnh như: lao phổi, giãn phế quản, hen phế quản (hen suyễn), ung thư phế quản hoặc suy tim.
Viêm phế quản mạn có 3 loại chính gồm thể đơn thuần, thể đờm mủ và thể khó thở.
Cơ chế sinh bệnh viêm phế quản mãn tính
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm phế quản mạn tính
Viêm phế quản mạn tính có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu người bệnh đã bị viêm phế quản cấp lặp đi lặp lại nhiều lần theo thời gian thì sẽ làm suy yếu, kích thích phế quản và có thể gây viêm phế quản mạn.
Viêm phế quản mạn tính là do mất cân bằng giữa cơ chế bảo vệ của cơ thể và yếu tố độc hại của môi trường. Giai đoạn đầu của viêm phế quản mạn tính là suy yếu lớp nhầy bảo vệ phế quản (lớp nhầy lông) từ đó dẫn đến nhiễm trùng, xuất tiết nhiều, gây tắc nghẽn và hậu quả là làm mất bù tim phổi.
Trong các nguyên nhân làm suy yếu lớp nhầy lông bảo vệ phế quản là những chất độc hại có trong môi trường bị ô nhiễm hoặc môi trường làm việc hoặc cả hai như khí clo, nitơ, xyanua… Các loại khí độc này làm tổn thương đường hô hấp, càng tiếp xúc kéo dài càng làm tổn thương các lớp nhầy, lông phế quản.
Đặc biệt, nếu có các yếu tố nguy cơ khác như: hút thuốc lá, thuốc lào hay nhiễm trùng đường hô hấp do vi sinh vật (vi khuẩn, vi nấm, virút) tái đi tái lại nhiều lần (viêm họng, mũi, viêm amidan, viêm xoang…) rất dễ gây viêm phế quản cấp. Viêm phế quản cấp do nhiễm trùng, nếu không được điều trị dứt điểm rất có thể trở thành viêm phế quản mạn tính.
Nguyên nhân gây viêm phế quản mãn tính
Theo các chuyên gia, có tới 90% số bệnh nhân viêm phế quản mạn tính có hút thuốc lá, thuốc lào. Bệnh thường xảy ra sau 50 tuổi do sự tích tụ của thuốc lá, thuốc lào và nếu hút thuốc nhiều từ khi còn trẻ, tỉ lệ viêm phế quản mạn tính tăng lên gấp đôi so với nhóm không hút thuốc.
Ngoài ra, một số yếu tố như: di truyền, tuổi tác cao, sức đề kháng kém hoặc thời tiết lạnh (mùa đông, đầu xuân…), yếu tố cơ địa (cơ địa dị ứng) hoặc môi trường sống chật chội, ẩm thấp, thiếu vệ sinh, khí hậu ẩm ướt… có thể làm gia tăng tỉ lệ mắc viêm phế quản mạn tính.
Triệu chứng viêm phế quản mạn tính
Các triệu chứng của viêm phế quản mạn có sự thay đổi khác nhau tùy theo từng giai đoạn.
- Triệu chứng đầu tiên của viêm phế quản mạn là ho và khạc đờm: Ho xảy ra nhiều lần trong một năm (kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và liên tục trong hơn 2 năm), thường dễ xuất hiện khi trời lạnh hoặc thay đổi thời tiết. Có thể ho khan nhưng thường ho có đờm màu vàng, trắng hoặc xanh lá cây.
- Ngoài ra, triệu chứng hơi thở khò khè, đôi khi ngừng thở cũng là dấu hiệu của bệnh viêm phế quản mạn.
- Đối với những người thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào ở độ tuổi trên 40 thường có biểu hiện như hay ho, khạc đờm vào buổi sáng. Đờm có dạng nhầy trong, dính có màu vàng đục hoặc xanh, mỗi ngày không quá 200ml.
Triệu chứng thường gặp nhất của viêm phế quản mãn tính
- Khi chụp X quang phổi có thể thấy rốn phổi đậm do xung huyết. Những dấu hiệu này thường diễn ra trong 3 tuần, tăng lên vào mùa đông và đầu mùa thu.
- Ngoài ra, khi xét nghiệm đờm thì phát hiện thấy có vi khuẩn hemophilus influenza, phế cầu và liên cầu.
Biến chứng của viêm phế quản mạn tính
Tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển bệnh viêm phế quản mạn khi không được điều trị kịp thời mà có biểu hiện lâm sàng cũng như biến chứng của bệnh là khác nhau:
- Nếu bệnh viêm phế quản mạn tính có triệu chứng ho có đờm tăng lên khi thời tiết chuyển lạnh, đờm nhày, trong, dính và vàng đục. Ho có đờm ngày càng đặc hơn và đổi màu có thể dẫn tới viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn.
- Khi viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn lan rộng, thường xuyên làm niêm lạc phế quản phù nề, tăng tiết gây khó thở, thở khò khè, kéo dài hơn vài tuần kèm ho khạc đờm màu trong, có mủ nhày thì bệnh đã tăng nặng chuyển sang bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Phổi tắc nghẽn mãn tính – Biến chứng nguy hiểm của viêm phế quản mạn
- Một biến chứng của bệnh viêm phế quản mạn tính có thể người mắc bệnh gặp phải là viêm phế quản mạn tính mủ nhày. Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường có sức đề kháng rất kém dễ bị bội nhiễm vi sinh vật.
- Ngoài ra, viêm phế quản mạn tính có thể làm bệnh nhân bị giãn phế quản, tâm phế mạn. Đối với người viêm phế quản mạn do hút thuốc lá, tiếp xúc với khói thuốc có thể có nguy cơ mắc ung thư phổi là rất cao.
- Cuối cùng, bệnh viêm phế quản mạn có thể làm người bệnh suy hô hấp cấp, mạn tính, thậm chí có nguy cơ tử vong nhanh chóng.
Có thể thấy đây là một căn bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong cho người bệnh. Vì vậy, cần chữa trị sớm, dứt điểm càng sớm càng tốt, đùng cách theo những chỉ định của bác sĩ.
Chẩn đoán xác định viêm phế quản mạn tính thế nào?
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phế quản mạn tính khi có đầy đủ các biểu hiện sau:
- Bệnh nhân bị ho, khạc đờm kéo dài ít nhất 3 tháng mỗi năm và kéo dài liên tiếp trong ít nhất 2 năm
- Kết quả đo chức năng thông khí phổi: bình thường
- X quang phổi: không thấy hình ảnh tổn thương của các bệnh lý khác
- Kết quả nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày: bình thường
Nhìn chung, viêm phế quản mạn tính hiện nay khá ít gặp, mà chủ yếu là các bệnh về hô hấp khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản… Tuy nhiên, nếu mắc phải bệnh này, người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế để được điều trị một cách thích hợp.
Điều trị viêm phế quản mạn tính
Tránh yếu tố nguy cơ có thể gây bùng phát các đợt cấp của bệnh.
Cân nhắc dùng kháng sinh trong điều trị viêm phế quản mạn khi có những đợt cấp, bệnh nhân có khạc đờm màu vàng, màu xanh, hoặc đờm mủ (đây là những trường hợp bệnh nhân có đợt cấp thường do căn nguyên vi khuẩn)
Giải pháp điều trị viêm phế quản mạn
Các kháng sinh thường được ưu tiên dùng bao gồm:
- Kháng sinh nhóm amoxillin
- Kháng sinh nhóm cephalosprin thế hệ I, thế hệ II, thế hệ III
- Kháng sinh nhóm macrolide
- Kháng sinh nhóm quinolone
- Dạng kết hợp amoxillin/ acid clavunalic
Thời gian dùng kháng sinh: thường kéo dài 7 – 10 ngày
Cách phòng bệnh viêm phế quản mạn tính
Để phòng tránh viêm phế quản mạn, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Bỏ thuốc lá, thuốc lào (nếu đang hút). Tránh hít khói thuốc thụ động do người khác hút. Chủ động gìn giữ môi trường sống và làm việc không khói thuốc.
- Tiêm phòng vaccine: Nhiễm trùng đường hô hấp tái diễn là một trong những nguyên nhân gây nên viêm phế quản mạn tính. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp viêm phế quản cấp tính có nguyên nhân do cúm, hay do virus.
Do vậy bạn cần chú ý tiêm phòng cúm hàng năm giúp phòng chống bệnh cũng như chống nhiễm trùng đường hô hấp và một số loại viêm phổi.
- Rửa tay bằng xà phòng: giúp giảm nguy cơ nhiễm virus, từ đó chủ động phòng chống mắc viêm phế quản mạn tính. Hãy cố gắng hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt là khi chế biến món ăn, trước khi ăn và sau khi lao động.
- Đeo khẩu trang y tế: Đeo khẩu trang sẽ giúp bạn hạn chế tiếp xúc hoặc hít phải khói, bụi độc hại từ môi trường bên ngoài, đặc biệt trong mùa cúm.
- Giữ môi trường sống trong và ngoài nhà luôn trong lành, tránh xa các yếu tố nguy cơ phát bệnh khác.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm phế quản mãn tính. Mong rằng chúng sẽ giúp ích cho bạn trong trường hợp nào đó. Chúc các bạn luôn có nhiều sức khỏe!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!