Viêm tai giữa ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm

Viêm tai giữa là bệnh hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là trong độ tuổi từ 1 – 3 tuổi. Bệnh nếu để lâu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vậy nguyên nhân và triệu chứng khi trẻ bị viêm tai giữa là gì? Làm thế nào để phòng bệnh và chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Trẻ bị viêm tai giữa thường do nhiễm trùng hay ứ đọng dịch trong hòm nhĩ mà thành. Có rất nhiều nguyên nhân khác gây viêm tai giữa, chủ yếu là do một số tác nhân sau:

  • Do hệ thống miễn dịch cũng như do sức đề kháng cơ thể trẻ còn kém, dễ mắc các bệnh như viêm mũi, viêm họng. Vi khuẩn từ các ổ viêm này dần dần lây lan lên tai gây viêm tai giữa.
  • Do trẻ có cấu trúc vùng mũi họng bất thường.
  • Trẻ nhỏ có cấu tạo vòi nhĩ ngắn và khẩu kính lớn hơn người lớn nên vi trùng và các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa, nhất là khi bé khóc, nằm ngửa hay trẻ bị sặc sữa, cháo… khi ăn.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ em

Cấu tạo của ống tai

  • Hệ thống niêm mạc đường hô hấp ở trẻ rất nhạy cảm dễ dàng phản ứng với các kích thích bằng cách tiết dịch làm dịch dễ ứ đọng trong hòm tai gây viêm tai giữa.
  • Khói thuốc, bụi bẩn, hóa chất hay chọc ngoáy tai bằng các dụng cụ cứng nhọn… cũng là nguyên nhân phổ biến làm tai giữa bị viêm.
  • Khi trẻ tắm hay bơi lội cũng có nguy cơ bị nước đọng trong tai gây viêm tai.

Triệu chứng khi trẻ bị viêm tai giữa

Khi trẻ bị viêm tai giữa có thể chia làm 2 giai đoạn: ủ bệnh và phát bệnh

Giai đoạn ủ bệnh có những triệu chứng như sau:

Ở giai đoạn ủ bệnh, trẻ thường không có biểu hiện bệnh rõ rệt: không sốt, tai không đau, ít khi ù và tai không chảy dịch. Trẻ chỉ có duy nhất biểu hiện nghễnh ngãng nhưng triệu chứng này rất dễ bị nhầm là trẻ không tập trung.

Nếu chuyển sang tình trạng mãn tính, tai của trẻ mới có hiện tượng chảy mủ. Lúc này nếu được phát hiện và điều trị sớm bác sĩ sẽ chích rạch dẫn lưu mủ cho trẻ và bệnh sẽ khỏi sau từ 1 – 2 tuần mà không để lại di chứng.

Biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ em giai đoạn ủ bệnh khá khó phát hiện

Biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ em giai đoạn ủ bệnh khá khó phát hiện

Biểu hiện của giai đoạn phát bệnh:

Ở giai đoạn phát bệnh, trẻ thường ít ăn và khó ngủ hơn do sự thay đổi áp suất trong tai giữa. Trong tai giữa có dịch đọng nhiều ép lên màng nhĩ gây đau tai, trẻ có thể hay có biểu hiện kéo, bứt tay để đỡ khó chịu.

Nếu áp suất của dịch tích tụ quá lớn có thể làm thủng màng nhĩ, làm dịch trong tai rò rỉ ra ngoài. Ngoài ra, dịch đọng trong tai cũng có thể làm bít tắc đường truyền âm thanh làm trẻ thấy khó nghe.

Biến chứng của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Nếu những triệu chứng trên không được các phụ huynh phát hiện kịp thời, sau 2 – 3 ngày bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn vỡ mủ làm dịch chảy ra ngoài. Lúc này trẻ hết sốt, đau tai và rối loạn tiêu hóa… làm bố mẹ tưởng rằng bé đã khỏi.

Tuy nhiên đây lại là giai đoạn trẻ bắt đầu chuyển sang giai đoạn viêm tai giữa mãn tính, thường tái đi tái lại nhiều lần làm tổn thương màng nhĩ, xương tai và cấu trúc tai giữa, có thể gây điếc vĩnh viễn ở trẻ.

Biến chứng của viêm tai giữa ở trẻ em

Viêm tai giữa nếu không được chữa trị kịp thời vừa làm trẻ khó chịu vừa gây ra nhiều biến chứng

Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ còn có thể gây các bệnh nguy hiểm như thủng màng nhĩ, làm tiêu xương… ảnh hưởng tới sức nghe cũng như việc tiếp thu ngôn ngữ của trẻ. Ngoài ra nó còn có thể gây một số biến chứng nhiễm trùng sọ não vô cùng nguy hiểm.

Điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ em thế nào cho đúng cách?

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi viêm tai giữa, cha mẹ cần đưa bé tới bệnh viện để các bác sĩ xác định chính xác xem có phải trẻ bị viêm tai giữa hay không. Tùy từng giai đoạn của bệnh mà các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.

Giai đoạn xung huyết

Nếu trẻ mới bị viêm tai giữa ở giai đoạn xung huyết chỉ cần điều trị nội khoa bằng kháng sinh là được. Vi khuẩn gây viêm tai giữa chủ yếu là một số loại như liên cầu, phế cầu… nên có thể sử dụng kháng sinh nhóm b lactam để điều trị kết hợp cùng với các loại thuốc chống viêm, chống phù nề, giảm đau, hạ sốt…

Giai đoạn ứ mủ

Khi viêm tai giữa chuyển sang giai đoạn ứ mủ thì có thể các bác sĩ sẽ cân nhắc việc trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ, bên cạnh đó vẫn tiếp tục sử dụng các loại loại thuốc điều trị toàn thân như trong giai đoạn xung huyết.

Giai đoạn vỡ mủ

Nếu viêm tai giữa trải qua 2 giai đoạn trên vẫn chưa được điều trị dứt điểm, dịch mủ trong tai lúc này sẽ tự phá vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ chảy theo ống tai ra ngoài làm thủng mành nhĩ. Giai đoạn này cần điều trị viêm tai giữa ở trẻ em bằng cách làm thuốc tai.

Cần đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị kịp thời

Cần đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị kịp thời

Có rất nhiều loại thuốc nhỏ tai:

  • Thuốc nhỏ tai có kháng sinh đơn thuần có thể kể tới như ciplox, otofa…
  • Thuốc nhỏ tai kết hợp kháng sinh và kháng viêm như cortiphenicol, polydexa…
  • Các loại thuốc nhỏ tai có tính sát khuẩn và giảm đau như otipax, cồn borix ấm…
  • Thuốc làm sạch tai như oxy già…

Tuy nhiên việc điều trị bằng những loại thuốc này phải do các bác sĩ chuyên môn đảm nhiệm, nếu không sẽ rất dễ gây ra những tai biến đáng tiếc như làm bong lớp biểu bì bảo vệ trên da ống tai hay làm chậm quá trình lành vết thương.

Thuốc bột cũng có thể được sử dụng làm thuốc tai, thường là những loại thuốc bột nguyên chất có thể hòa tan để tránh việc cản trở dẫn lưu của dịch tai giữa ra ngoài.

Nếu tự ý rắc thuốc bột vào tai sẽ rất nguy hiểm. Những tá dược có trong thuốc bột sẽ gây bít tắc ống dẫn lưu dịch. Chính vì vậy, dịch viêm không thoát được ra ngoài  sẽ phá hủy sang phần xương chũm của tai giữa gây viêm xương chũm hay thậm chí gây biến chứng nội sọ. Điều này làm các bác sĩ khó đánh giá đúng được tình trạng của tai bệnh do không quan sát được màng tai.

Phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ như thế nào?

Để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này ở trẻ, các mẹ nên lưu ý những điều sau:

  • Cho bé bú sữa mẹ vì trong sữa mẹ có nhiều chất dinh dưỡng, đồng thời bổ sung khả năng miễn dịch cho bé. Nếu dùng sữa ngoài thì cho bé bú bình ở tư thế thẳng đứng (với góc nghiêng ít nhất 30 độ) và giữ nguyên tư thế trong 30 phút sau khi bú xong.
  • Để bé tránh xa các chất có khả năng kích ứng tạo ra dịch nhầy trong mũi và tai giữa của bé. Tuyệt đối không hút thuốc bên cạnh bé, không đưa bé đến những nơi có nhiều bụi bẩn, nấm mốc…
  • Hạn chế để bé ngậm vú giả vì nhiều nghiên cứu cho thấy núm vú giả cũng có thể gây viêm tai giữa
  • Bổ sung nhiều rau củ quả, trái cây hay hải sản vào thực đơn hàng ngày giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho bé.
  • Khi bé bị viêm họng, viêm mũi… cần chữa trị dứt điểm bệnh cho trẻ để vi khuẩn theo đó không có cơ hội phát triển và làm ổ gây viêm tai giữa.

Viêm tai giữa ở trẻ em không phải là bệnh khó chữa nếu được điều trị sớm từ giai đoạn cấp. Tránh để bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính sẽ phải phẫu thuật mà tai trẻ cũng không còn trở lại được giai đoạn bình thường như trước. Đồng thời hãy bảo vệ con tránh xa căn bệnh nguy hiểm này nhé!

Xem thêm video: Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo