Amidan nằm ở đâu? Có tác dụng gì? Tại sao trẻ hay bị viêm amidan

Amidan nằm ở đâu là một trong những câu hỏi mà chúng tôi nhận được từ nhiều bạn đọc. Vị trí và cấu tạo của amidan có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của chúng ta hay không? Bộ phận này có tác dụng gì? Tại sao trẻ hay bị viêm amidan? Làm thế nào để bảo vệ amidan, không cho vi khuẩn xâm nhập? Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết sau đây.

>> 9 nguyên nhân gây viêm amidan bạn cần biết để phòng tránh

>> Nhận biết dấu hiệu viêm amidan ở các giai đoạn và cách điều trị

Amidan là gì?

Amidan hay còn được gọi là tuyến hạnh nhân, có tên tiếng anh là Tonsils. Đây là những đám tổ chức bạch huyết lớn, nằm phía dưới niêm mạc hầu. Các amidan sẽ nằm vây quanh cửa hầu và tạo thành một vòng kín gọi là vòng bạch huyết quanh hầu (vòng Waldayer).

6 khối amidan trong vòng Waldayer đó là:

  • Amidan vòm (VA): chỉ có 1 khối nằm ở vòm họng và có thể phát triển theo thành sau họng mũi.
  • Amidan vòi: Gồm 2 amidan, nằm ở hai bên phải và trái, quanh lỗ vòi tai.
  • Amidan khẩu cái: Gồm 2 amidan, nằm ở hai bên phải và trái, trong hố amidan của thành bên họng.
  • Amidan lưỡi: Chỉ có 1 khối, nằm ở đáy lưỡi.

Cấu tạo của amidan

Cấu tạo của amidan

Sự hình thành và phát triển của thai nhi gắn liền với sự hình thành vòng Waldayer. Khi trẻ chào đời cũng là lúc vòng Waldayer phát triển đầy đủ. Khi bé lên 1 – 2 tuổi, các khối amidan sẽ phát triển nhanh về khối lượng và sẽ mạnh nhất lúc trẻ từ 3 – 7 tuổi rồi teo dần.

Amidan nằm ở đâu và có cấu tạo ra sao?

Có lẽ ai cũng biết vị trí amidan là ở trong họng nhưng chính xác amidan nằm ở đâu thì không phải ai cũng rõ.

Vị trí của amidan

Amidan nằm ở vị trí thuộc giao điểm của đường thở và đường ăn uống, có tác dụng như “hàng rào” chống lại sự xâm nhập của vi trùng, vi khuẩn từ bên ngoài tấn công.

Tất cả vi trùng từ mũi, miệng đều phải thông qua vòng bạch huyết Waldeyer mới vào được cơ thể. Do đó, nếu amidan bị viêm sẽ giống như “cổng thành không có người gác”, biến nơi đây thành ổ lưu trú của vi trùng, gây ra các bệnh về phổi, tai, khớp, ruột,… cho con người.

Cấu tạo của amidan

Cấu tạo amidan gồm biểu mô phủ và biểu mô liên kết, giống như hạch bạch huyết. Một amidan lại có các amidan nhỏ khác nhau đó là amidan vòm, amidan khẩu cái, amidan vòi và amidan lưỡi.

  • Amidan vòm (VA)

Amidan vòm nằm trong lớp niêm mạc của nóc vòm và thành sau của vòm mũi họng, phía trên lưỡi gà và sau mũi. Cấu tạo amidan vòm gồm các tế bào lympho tập trung lại, giúp tạo kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh khi chúng đi vào cơ thể qua ngã mũi hầu.

Bằng mắt thường thì khó có thể nhìn thấy amidan vòm mà phải dùng dụng cụ chuyên dụng bởi vị trí amidan vòm khá đặc biệt.

VA bình thường sẽ dày khoảng 2mm và không làm đường thở bị cản trở. Chúng có diện tích tiếp xúc rất rộng nhờ khả năng xếp thành nhiều nếp. Chức năng của VA là nhận diện vi khuẩn, tạo kháng thể và tiêu diệt vi khuẩn khi chúng tái xâm nhập vào cơ thể.

Khi con người hít thở bằng mũi, không khí sẽ tiếp xúc với amidan vòm rồi mới đi vào phổi, khiến các vi khuẩn có trong không khí bám lại vào mặt tiếp xúc của VA. Các tế bào bạch cầu ở đây sẽ nhanh chóng bắt giữ, nhận diện “kẻ địch” để tạo ra kháng thể.

Những kháng thể này được nhân lên với số lượng lớn và phân tán đi khắp nơi, trong đó tập trung nhiều nhất ở vùng mũi họng, tạo miễn dịch tại chỗ, chống lại vi khuẩn khi chúng xâm nhập lần nữa. Amidan vòm giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Khi thai kì phát triển từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 7 thì cũng là lúc VA được hình thành và nó hoàn thiện ở trẻ sơ sinh. VA sẽ lớn dần khi trẻ phát triển đến 6 – 7 tuổi rồi thoái triển dần và teo nhỏ lại trước khi trẻ bước vào tuổi dậy thì.

Amidan nằm ở đâu?

Vị trí và cấu tạo của amidan

  • Amidan khẩu cái

Là tổ chức lympho lớn nhất, gồm những khối mô màu hồng hình ô van ở cả hai phía trái và phải của họng. Vị trí amidan khẩu cái nằm bên trong hốc amidan, có lớp vỏ bọc phân cách với các tổ chức khác trong họng.

Nếu nhìn bằng mắt thường thì chỉ thấy đươc phía trong và dưới của hốc amidan, còn gọi là mặt tự do của amidan. Các khe lõm sâu của mặt tự do amidan được che phủ bởi các lớp biểu bì, là nơi các hoạt động miễn dịch của amidan diễn ra.

Đây cũng chính là nơi rất dễ bị viêm bởi các vi khuẩn, virus. Không có kích thước chuẩn cho amidan khẩu cái, mà sự to nhỏ của nó phụ thuộc vào từng người.

  • Amidan lưỡi

Là tổ chức lympho nằm dưới đáy lưỡi, ngay phía sau V lưỡi. Cấu tạo của amidan lưỡi gồm 5 – 9 mô lympho liên kết với nhau. Amidan lưỡi và amidan họng có liên quan trực tiếp đến nhau nên thông thường, nếu người bệnh bị viêm amidan lưỡi sẽ có thể dẫn đến viêm amidan họng.

  • Amidan vòi

Có tên gọi khác là Gelach, là tổ chức chức lympho nhỏ. Vị trí amidan vòi nằm ở hố Rosenmuler, quanh lỗ vòi Eustacchi.

Vị trí của amidan khi nhìn bằng mắt thường

Vị trí của amidan khi nhìn bằng mắt thường

Amidan có tác dụng gì?

Cũng như các bộ phận khác trong cơ thể con người, amidan cũng có chức năng riêng của mình. Với vị trí là “cửa ngõ’ quan trọng của hệ hô hấp, đây chính là hệ thống phòng vệ đầu tiên trong hệ miễn dịch của cơ thể.

Amidan sẽ sản sinh ra miễn dịch có lợi cho cơ thể bằng cách tạo kháng thể, các lympho bào giúp cho cơ thể chống lại tác nhân gây nhiễm khuẩn và gây bệnh đường hô hấp.

Đồng thời, amidan cũng sản sinh ra kháng thể IgG quan trọng và cần thiết của miễn dịch. Các vi khuẩn, vi rút sẽ bị thanh lọc, tiêu diệt tại amidan trước khi kịp xâm nhập vào cơ thể con người. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ tránh được rất nhiều bệnh do vi khuẩn và virus gây ra.

Tại sao trẻ hay bị viêm amidan

Như đã trình bày ở trên, khi trẻ trong độ tuổi từ 3 – 7 tuổi, amidan phát triển mạnh mẽ nhất. Cộng thêm 2 nguyên nhân:

  • Do cấu tạo amidan: Có nhiều khe hốc nên vi khuẩn dễ dàng trú ẩn và phát triển.
  • Do vị trí amidan: Nằm ở giao điểm của đường ăn và đường thở. Đây là cửa ngõ cho virus, vi khuẩn xâm nhập vào.

Chính vì vậy, mặc dù có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, virus gây hại nhưng với cấu trúc nhiều hốc và ngăn rỗng, amidan lại là địa chỉ trú ẩn tuyệt vời nếu virus, vi khuẩn xâm nhập vào được, từ đó dẫn đến viêm amidan ở trẻ em.

Trẻ em rất dễ bị viêm amidan

Trẻ em rất dễ bị viêm amidan

Viêm amidan là tình trạng tuyến amidan của bạn bị tổn thương viêm nhiễm cấp hoặc mãn tính, do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Sự tấn công ồ ạt và vượt mức cho phép của vi khuẩn vào mũi họng sẽ khiến cho amidan phải làm việc quá sức dẫn đến tình trạng amidan bị sưng, đỏ.

Viêm VA có phải là viêm amidan không?

VA là 2 chữ viết tắt của cụm từ tiếng pháp “Végétations Adénoides’’, y văn quốc tế ngày nay gọi là amidan vòm (tiếng Anh là adenotonsillar hay adenoid).

VA cũng là một bộ phận của amidan. Tuy nhiên, tình trạng viêm VA và viêm amidan không phải là một. Nói chính xác hơn, viêm amidan ở đây là tình trạng amidan khẩu cái bị viêm nhiễm. Còn viêm VA là tình trạng amidan vòm bị nhiễm khuẩn.

Cả amidan vòm và amidan khẩu cái đều là các thành phần của vòng bạch huyết Waldeyer của ngã tư hầu họng. Hai bộ phận này đều dễ bị viêm do sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn. Các biểu hiện cũng như cách điều trị 2 bệnh này cũng có sự khác biệt.

Xem thêm: Phân biệt viêm amidan và viêm VA

Có nên cắt amidan hay không?

Như đã trình bày về cấu tạo và chức năng của amidan, đây là một bộ phận không thể thiếu, nó như là một tấm “lá chắn” vòng ngoài để bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn, virus gây bệnh.

Chính vì vậy, không nên cắt amidan trong trường hợp không cần thiết.

Cách bảo vệ amidan và phòng tránh các bệnh về hầu họng

Để bảo vệ amidan, chúng ta nên chú ý một số điều sau:

  • Hạn chế để amidan tiếp xúc với các yếu tố dễ gây viêm nhiễm như: khói bụi, thuốc lá, thuốc lào, rượu bia, chất kích thích, đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh,…
  • Cần uống nhiều nước, ăn các thức ăn mềm và nhiều chất dinh dưỡng
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý
  • Luôn giữ ấm vùng họng, không ngồi điều hòa ở nhiệt độ quá thấp
  • Điều trị triệt để các bệnh về mũi họng, không lạm dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh

Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi: amidan nằm ở đâu, cấu tạo, chức năng của bộ phận này cũng như lý do tại sao trẻ em hay bị viêm amidan. Hãy bảo vệ bản thân và gia đình, đặc biệt là con trẻ tránh khỏi căn bệnh viêm amidan khó chịu.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo