Dấu hiệu viêm mũi và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả

Triệu chứng viêm mũi họng thường dễ bị bỏ qua và không được điều trị dứt điểm. Điều này sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Hơn hết, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Người bệnh cần biết cách phòng ngừa viêm mũi họng để không phải chịu đựng những triệu chứng viêm mũi dai dẳng. Mời bạn đọc tham khảo những thông tin dưới đây.

>> Viêm mũi cấp tính là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh

>> 4 cách điều trị viêm mũi phổ biến, cho hiệu quả nhanh

Viêm mũi là sự viêm nhiễm xảy ra trên bề mặt niêm mạc hốc mũi. Bệnh xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Viêm mũi họng có nhiều loại như: viêm mũi dị ứng, viêm mũi cấp… Cùng tìm hiểu triệu chứng và biểu hiện của viêm mũi theo từng dạng ngay sau đây:

Dấu hiệu viêm mũi họng cấp

Bệnh thường xuất hiện vào mùa lạnh, khi thời tiết chuyển mùa và có thể phát triển thành dịch. Viêm họng cấp có nhiều dạng, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuy nhiên, chúng đều có điểm chung là gây sổ mũi cấp cho người bệnh.

Triệu chứng viêm mũi họng cấp như sau:

  • Giai đoạn đầu người bệnh sẽ có cảm giác lạnh xương sống, nổi gai ốc, kèm theo đó là hiện tượng nóng rát bên trong mũi khi thở ra. Người bệnh sẽ thấy nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, có thể sốt cao (ở trẻ em), khô mũi, họng, hắt hơi nhiều, ngạt tắc mũi, giảm hoặc mất khứu giác…
  • Khi khám niêm mạc mũi sẽ thấy có màu đỏ rực hay sưng nề, xung huyết dữ dội, nước mũi có màu, đục và đặc dần. Niêm mạc có khi nhợt nhạt và khô hơn bình thường.

Triệu chứng viêm mũi họng

Bệnh viêm mũi họng

Các triệu chứng trên có thể cải thiện dần sau 5 – 7 ngày. Nếu lâu hơn, chúng có thể gây ra một số biến chứng ở đường hô hấp như: khó thở hoặc ho… (Đối với viêm mũi cấp do virus cúm Parainfluenza, Entero, Reocorona, Myxovirus…). Biến chứng ở đường tiêu hóa có thể là: rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, tiêu chảy… Thậm chí chúng còn có thể biến chứng thành viêm màng não, viêm thận, viêm cơ…

Biểu hiện viêm mũi cấp ở từng thể lâm sàng:

Như đã nói ở trên, có rất nhiều thể viêm mũi cấp. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến 9 dạng viêm mũi họng cấp thường gặp và các biểu hiện của nó.

  • Viêm mũi cấp do cảm cúm: Biểu hiện toàn thân nặng hơn cảm cúm thông thường. Người bệnh có thể sốt cao, cảm thấy rét, đau mình mẩy. Bệnh không được chữa trị nhanh có thể lây lan thành dịch.
  • Viêm mũi do thủy đậu: Tiền đình mũi có một số nốt phồng. Mũi chảy nhiều dịch nhầy, có hiện tượng viêm loét niêm mạc cuốn mũi và vách ngăn. Khi khỏi bệnh sẽ thường để lại sẹo dúm, teo niêm mạc. Bệnh thường gặp ở người từ 4 tuổi trở lên.
  • Viêm mũi do sởi: Viêm mũi là dấu hiệu đầu tiên của sởi. Người bệnh sẽ bị chảy nước mũi kèm với máu kéo dài, mắt và hệ thống lệ đạo bị viêm khiến bệnh nhân bị chảy nước mắt nhiều, mi mắt phù nề, màng tiếp hợp đỏ. Ngoài ra còn một số triệu chứng khác như: tiếng nói khàn, ho nhiều, đôi khi khó thở…
  • Viêm mũi bạch hầu: Bệnh có 2 thể nguyên phát hoặc thứ phát, có giả mạc trắng ngà ở mũi và họng. Đầy đủ tính chất đặc trưng của giả mạc bạch hầu. Cần nhuộm soi tươi ngay hoặc lấy giả mạc cấy để tìm trực khuẩn bạch hầu.

Viêm mũi họng ở trẻ em

Trẻ em dễ bị mắc viêm mũi họng cấp hơn do sức đề kháng yếu

  • Viêm mũi lao: Có 2 thể: Lupus và viêm loét niêm mạc mũi do lao. Triệu chứng: vùng tiền đình, cuốn mũi dưới, niêm mạc vách ngăn có những nốt nhỏ màu hơi đỏ, dần dần có mủ rồi hoại tử, làm sẹo co dúm gây hẹp hốc mũi… Chẩn đoán bệnh dựa vào sinh thiết.
  • Viêm mũi giang mai: Thường chỉ ở giai đoạn III. Triệu chứng lâm sàng: Sưng đau các xương vùng mũi, chảy mũi mủ, loét hoại tử, sưng hạch vùng đầu mặt cổ, cuối cùng sập sống mũi hình yên ngựa… Chẩn đoán dựa vào phản ứng huyết thanh và sinh thiết.
  • Viêm mũi ở hài nhi: Đây là dạng viêm mũi cấp xảy ra ở trẻ vài ngày tuổi. Các triệu chứng lâm sàng thường nặng nề, bao gồm: Chảy mũi, ngạt mũi, khó bú, bỏ bú, nôn mửa, sốt cao, dấu hiệu nhiễm trùng rõ rệt, không tăng cân… Lưu ý nếu kèm viêm đường hô hấp dưới như viêm thanh quản, phế quản, viêm phổi…tiên lượng càng nặng.
  • Viêm mũi do lậu ở trẻ nhỏ: Bệnh xuất hiện ở trẻ sơ sinh sau 3 – 4 ngày bé chào đời do lây vi khuẩn lậu từ âm đạo mẹ. Triệu chứng của bệnh: Mũi và môi sưng vều, đỏ, bé bị chảy nước mũi màu vàng, xanh và bị tắc mũi hoàn toàn, không bú được, mắt cũng sưng mọng, mí mắt không mở được, màng tiếp hợp đỏ, phù nề… Nếu không được chữa trị kịp thời, tỷ lệ tử vong của trẻ khá cao.
  • Viêm mũi do dị vật: Bệnh này thường hay gặp ở trẻ em, nhất là trong độ tuổi bé đi mẫu giáo (từ 2 – 6 tuổi) do các em còn tò mò, thích khám phá và chưa có nhận thức nhiều. Trẻ khi bị mắc dị vật trong mũi lâu ngày không được phát hiện sẽ có các biểu hiện như: ngạt mũi, chảy nước mũi rất hôi, nước mũi màu xanh, vàng, có thể có lẫn máu. Đôi khi trẻ có thể bị sốt, viêm loét… Bệnh chỉ thường xuất hiện ở một bên mũi.

Viêm mũi họng ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có nguy cơ bị mắc viêm mũi họng do vi khuẩn từ mẹ

Đối với từng dạng viêm mũi cấp lại có cách điều trị khác nhau. Do vậy, nếu thấy những biểu hiện nói trên, cần đến các cơ sở y tế để khám chữa ngay lập tức, dứt điểm bệnh, không để cho nó phát triển thêm.

Triệu chứng viêm mũi họng mãn tính

Viêm mũi họng mãn tính xảy ra do người bệnh bị viêm mũi tái đi tái lại nhiều lần khiến cho bệnh cứ mãi dai dẳng. Các dấu hiệu thông thường của bệnh bao gồm:

  • Ban đầu, người bệnh có thể bị ngạt 1 bên mũi, có thể là bên này, lúc sau lại là bên kia.
  • Sau dó, bị ngạt liên tục, dữ dội cả 2 bên, xuất nhiện những dịch nhầy dai dính, thường không xuất hiện mủ, có xu hướng phát triển từ mũi sau đó xuống họng. gây viêm họng thứ phát.
  • Bệnh nhân hay phải đằng hắng, nói bằng giọng mũi, chảy nước mắt, có thể bị viêm túi lệ, đau đầu, mất ngủ…

Viêm mũi họng mãn tính

Viêm mũi họng mãn tính gây khó chịu cho người bệnh

Triệu chứng lâm sàng của viêm mũi họng mãn tính được chia làm 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn xung huyết đơn thuần: Triệu chứng: Ngạt mũi liên tục ở cả ban đêm lẫn ban ngày, xuất tiết ít, thực hiện khám niêm mạc mũi thấy cuốn mũi to, đỏ, đôi khi tím bầm. Đặt thuốc co mạch còn co hồi tốt.

Giai đoạn xuất tiết: Dấu hiệu cơ bản của giai đoạn này là chảy mũi, có nhầy hoặc mủ, người bệnh có khi chảy mũi hàng tháng, ngạt mũi thường xuyên, giảm hoặc mất khứu giác. Niêm mạc mũi phù nề nhợt nhạt, cuốn mũi nề mọng, đặt thuốc co mạch còn có tác dụng nhưng chậm và tái sưng nề nhanh. Sàn mũi và các khe có chất xuất tiết ứ đọng.

Giai đoạn quá phát: Đây là hậu quả của một quá trình quá sản niêm mạc cuốn dưới, tắc mũi liên tục, ngày càng tăng, đặt các loại thuốc co mạch không còn tác dụng, người bệnh nói bằng giọng mũi, thở bằng miệng nên có thể bị viêm họng mãn tính, giảm hoặc mất khứu giác, xuất tiết ít dần. Khám cuốn dưới quá phát gần sát vách ngăn, cứng sần sùi, màu xám nhạt, đôi khi phát triển phía đuôi cuốn, chỉ soi mũi sau mới thấy.

Phòng bệnh viêm mũi họng

Đeo khẩu trang để phòng bệnh viêm mũi họng, đặc biệt là trẻ em

Cách phòng bệnh viêm mũi họng

Đừng “mất bò mới lo làm chuồng”, hãy bảo vệ bản thân bạn để không mắc phải chứng bệnh về mũi dai dẳng, khó chịu ấy. Bạn cần thực hiện các chỉ dẫn dưới đây:

  • Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi
  • Dùng khẩu trang khi ra đường để phần nào ngăn ngừa khói bụi, vi khuẩn
  • Làm ấm vùng mũi mỗi khi tỉnh dậy vào buổi sáng
  • Tắm nước ấm trong phòng kín gió, tuyệt đối không tắm nước lạnh. Tắm nhanh rồi lau khô thân mình, vùng cổ… và mặc quần áo khô
  • Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng việc đánh răng, súc miệng bằng nước muối sinh lý…

Trên đây là những triệu chứng viêm mũi họng thường gặp cũng như cách phòng bệnh. Có rất nhiều dạng viêm mũi, do đó, khi bạn phát hiện thấy những dấu hiệu của viêm mũi, cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, điều trị thích hợp, tránh để lâu bệnh càng nặng.

XEM THÊM

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo