Viêm mũi cấp tính là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh

Viêm mũi cấp tính là bệnh thường gặp, nhất là khi thời tiết giao mùa. Những triệu chứng, dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân gây bệnh là gì? Cách điều trị dứt điểm căn bệnh này và phòng tránh bệnh tái phát ra sao? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Viêm mũi cấp tính là bệnh gì?

Viêm mũi cấp tính là một bệnh về hô hấp thường gặp. Nói cách khác, đây là chứng viêm nhiễm tổ chức niêm mạc mũi.

Các loại viêm mũi cấp tính thường gặp:

  • Viêm tiền đình mũi: Tiền đình mũi có nhiều nang lông, viêm khi bị nhiễm trùng. Triệu chứng điển hình thường gặp là đóng vảy bên trong lỗ mũi, sưng ở đầu mũi hay cánh mũi.
  • Nhọt tiền đình mũi: Bệnh thường do trầy xước khi ngoáy mũi hoặc xì mũi quá mạnh làm rách da, tạo điều kiện cho nhiễm trùng mũi lan xuống tổ chức dưới da mũi.
  • Viêm mũi cấp tính do siêu vi (cảm cúm): Cảm thông thường sẽ không gây biến chứng, trong bốn năm ngày sẽ hết, sau sáu bảy ngày mũi sẽ hết nghẹt. Tuy nhiên, nếu bị viêm nhiễm do vi trùng, các triệu chứng nặng thêm và có thể dẫn đến viêm xoang, viêm tai giữa hay viêm khí phế quản.
  • Viêm mũi cấp tính do dị ứng: Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra cấp tính theo mùa hay mạn tính theo năm. Bệnh xảy ra do phản ứng cơ thể đối với dị nguyên bên ngoài.

Viêm mũi cấp tính

Bệnh viêm mũi cấp tính

Triệu chứng của bệnh viêm mũi cấp tính

Các triệu chứng thường gặp

Người bị viêm mũi cấp tính thường có những biểu hiện như sổ mũi, chảy nước mũi, tắc ngạt mũi, niêm mạc trong mũi bị xung huyết, xuất tiết ra các dịch nhầy chảy ra ngoài mũi, khiến người bệnh phải xì mũi nhiều.

Một số trường hợp viêm mũi cấp tính do vi khuẩn, người bệnh thường bị sốt nhẹ, đau nhức vùng trán, mặt, ngạt mũi, nước mũi chảy mủ màu vàng

Ngoài ra còn một số triệu chứng khác như:

  • Suy giảm khứu giác
  • Cảm giác cơ thể mệt mỏi, chán ăn, đau đầu
  • Niêm mạc mũi bị phù nề khiến một số các cơ quan xung quanh bị viêm nhiễm như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm kết mạc, viêm một số cơ quan thuộc đường hô hấp khác (viêm thanh quản, khí quản, phế quản…)

Triệu chứng của viêm mũi cấp tính

Viêm mũi cấp tính khiến bạn sổ mũi, ngạt mũi, hát hơi rất khó chịu

Các giai đoạn phát triển của viêm mũi cấp tính

Giai đoạn 1:

Trong giai đoạn đầu này, cảm giác chủ yếu là khô họng và họng mũi, niêm mạc nề đỏ và khô. Ngoài ra, người bệnh sẽ hắt hơi nhiều, cảm thấy nóng rát và nhức trong họng, nhất là họng mũi, đôi khi khàn tiếng, thường sốt nhẹ.

Giai đoạn đầu thường không có rối loạn gì đáng kể.

Giai đoạn 2:

Sau một vài giờ thậm chí một vài ngày, hình ảnh lâm sàng sẽ thay đổi, giảm phù nề niêm mạc, niêm mạc trở nên ẩm và bắt đầu xuất tiết nhiều niêm dịch, bệnh nhân thấy dễ chịu hơn.

Giai đoạn 3 (giai đoạn làm mủ):

Dịch xuất tiết trở thành niêm dịch mủ do pha trộn với các thành phần biểu mô và bạch cầu thoái hoá. Sau đó số lượng dich tiết giảm dần, viêm niêm mạc nhanh chóng được phục hồi và qua 7 – 10 ngày thì hoàn toàn bình thường lại.

Đối với những người có tình trạng teo niêm mạc mũi, có thể không ngạt mũi hoàn toàn, thời gian của giai đoạn cấp tính ngắn hơn, mặc dù sau đó có thể tăng cảm giác khô và kích thích niêm mạc mũi trong một thời gian dài. Ngược lại với người có tình trạng quá phát niêm mạc mũi thì biểu hiện nhất là phù nề và xuất tiết ở niêm mạc sẽ mạnh hơn nhiều.

Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi cấp tính

Thời tiết thay đổi là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi cấp tính. Nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột, thay đổi nhiều lần trong ngày khiến niêm mạc mũi không thích nghi kịp mà bị kích thích dẫn đến viêm mũi.

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí, khói, bụi, chất khí thải tăng cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm mũi. Theo thống kê, có đến hơn 40% nguyên nhân gây bệnh viêm mũi là do ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân gây viêm mũi cấp tính

Có nhiều nguyên nhân gây viêm mũi cấp tính

Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị viêm mũi do virus. Môi trường sống không sạch tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển xâm nhập qua mũi gây viêm mũi, viêm đường hô hấp.

Việc lạm dụng thuốc nhỏ mũi trong thời gian dài, khiến niêm mạc mũi bị xơ hóa cũng rất dễ dẫn đến xung huyết, phù nề niêm mạc. Các bệnh lý khác liên quan như: viêm VA, vmidan, viêm họng… cũng có thể dẫn đến bị viêm mũi.

Chẩn đoán bệnh viêm mũi cấp tính như thế nào?

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán viêm mũi không khó, ngay cả khi không soi mũi, dựa trên các triệu chứng chủ quan và khách quan.

Chẩn đoán phân biệt

Ở trẻ nhỏ, nếu viêm kéo dài và điều trị thông thường không được thì cần nghĩ tới viêm mũi do lậu hoặc giang mai, đồng thời cùng nên nghĩ tới bạch hầu mũi thường tiến triển không có triệu chứng.

Cũng đừng quên chẩn đoán phân biệt với triệu chứng chảy mũi trong các bệnh nhiễm trùng cấp tính như: sới, ho gà, tinh hồng nhiệt. Trong trường hợp này phải thu thập tỉ mỉ tiền sử dịch tễ và khám toàn thân để có thể xác định chẩn đoán.

Các bệnh hô hấp cấp tính thường bắt đầu bằng viêm mũi cấp tính trong đó những biểu hiện tại chỗ của bệnh lan rộng hơn, xâm lấn cả niêm mạc họng, thanh quản, khí quản… về bản chất viêm mũi cấp tính là một dạng khu trú của các bệnh hô hấp cấp tính. Trong chẩn đoán phân biệt cần nghĩ tới cúm.

Phương pháp điều trị viêm mũi cấp tính

Vệ sinh mũi:

Người bệnh cần vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, ngày 3 – 4 lần để làm sạch dịch nhày.

Điều trị tại chỗ:

Dùng thuốc xịt mũi tác dụng tại chỗ. Bệnh nhân nên sử dụng các loại thuốc xịt mũi thảo dược, hạn chế sử dụng thuốc xịt có thành phần Corticoid, Xylomethazolin. Thông thường các loại thuốc này được sử dụng trong 5 ngày, nếu không đỡ, người bệnh nên đi khám để có biện pháp điều trị hợp lý.

Điều trị viêm mũi cấp tính bằng các loại thuốc xịt tại chỗ

Điều trị viêm mũi cấp tính bằng các loại thuốc xịt tại chỗ

Điều trị toàn thân:

Nếu dịch mũi trong chưa kèm các dấu hiệu khác, người bệnh nên uống thuốc thảo dược để làm thông mũi, trị các triệu chứng ngạt mũi, đau nhức, chảy nước mũi.

Nếu có kèm theo các biểu hiện như nước mũi dạng dịch nhày, có mủ, dịch mũi màu xanh, vàng thì người bệnh nên kết hợp uống kháng sinh đặc trị viêm đường hô hấp, uống trong 5 – 7 ngày và duy trì uống cùng thuốc thảo dược để bệnh nhanh khỏi hơn.

Tiên lượng bệnh

Viêm mũi cấp tính ở người lớn tiên lượng tốt, một vài trường hợp có thể sinh biến chứng (viêm xoang, viêm vòi nhĩ, viêm tai giữa…) thì tiên lượng kém hơn.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh, trẻ còn đang bú có tiên lượng kém hơn.

Chăm sóc người bị viêm mũi cấp tính

Đối với bệnh nhân nhức mỏi cần nghỉ ngơi, nếu sốt cần bù nước và chất điện giải bằng cách uống dung dịch oresol (ORS) theo đúng khuyến của của bác sĩ hoặc nhà sản xuất.

Ngoài ra, khi viêm họng cấp bệnh nhân cần ăn tăng cường các chất dinh dưỡng, thức ăn nên dùng loại mềm, nhuyễn, dễ nuốt, ăn thêm rau, trái cây.

Đồng thời, phải giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân. Nên tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch.

Cần vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Nên súc họng bằng nước muối nhạt hằng ngày. Tránh quạt máy, máy lạnh, bụi khói, nước đá, thức khuya.

Đối với người lớn cần tập thể dục nhẹ nhàng. Không tự ý nhỏ mũi bằng các thuốc co mạch kéo dài nhất là đối với trẻ em.

Chăm sóc người bị viêm mũi cấp tính

Với mỗi đối tượng mắc viêm mũi cấp tính lại có cách chăm sóc khác nhau

Phòng ngừa bệnh viêm mũi cấp tính ra sao?

Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp trên, trước hết là phải hướng tới rèn luyện cơ thể, nhất là những người có cơ địa viêm mũi. Các biện pháp tắm nước nóng, tắm nắng, tắm khí và các dạng thể thao nhằm tăng cường hệ tim mạch và bộ máy hô hấp, giúp cơ thể tạo ra những phản ứng bình thường…

Ngoài ra, vệ sinh nhà ở, môi trường sống, đảm bảo sạch, thoáng là việc làm rất quan trọng để loại bỏ tác nhân gây bệnh.

Cần hướng dẫn bệnh nhân cách xì mũi từng bên khi bị viêm mũi cấp tính. Tuy nhiên, không được xì quá mạnh để tránh đưa những nhiễm trùng xâm nhập vào tai hoặc xương chũm, gây những biến chứng nguy hiểm.

XEM THÊM

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo