Amoxicillin – Kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn có tốt không? Giá bao nhiêu?

Amoxicillin là một loại kháng sinh được sử dụng phổ biến. Nó thuộc nhóm thuốc penicillin và được dùng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Tất cả những thông tin về công dụng, liều dùng, các dạng bào chế, tác dụng phụ của thuốc cũng như giá bán sẽ được cung cấp qua bài viết dưới đây.

>> Mecefix – Thuốc kháng sinh chữa các bệnh hô hấp cho hiệu quả ra sao? Tác dụng phụ, liều dùng và giá bán

>> Augmentin – Kháng sinh chữa bệnh do vi khuẩn cho hiệu quả ra sao? Giá bao nhiêu? Mua ở đâu?

Một vài điểm chính về thuốc Amoxicillin

Đây là những thông tin cơ bản nhất về Amoxicillin mà chúng tôi muốn bạn nắm được trước khi tìm hiểu rõ hơn về loại thuốc này:

  • Amoxicillin hoạt động bằng cách ngăn ngừa vi khuẩn và giết chết chúng
  • Amoxicillin có thể điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra đặc biệt là các bệnh về tai mũi họng nhưng nó không có tác dụng với các bệnh do virus
  • Amoxicillin có thể kết hợp với một số loại thuốc khác để điều trị bệnh về đường ruột và dạ dày
  • Các tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc bao gồm: tiêu chảy, nấm candida và đổi màu răng
  • Bệnh nhân cần tham khảo chỉ định của bác sĩ đồng thời thông báo với họ về tình trạng bệnh hiện tại, lịch sử y tế cũng như các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ có cái nhìn tổng quát nhất.

Dưới đây, chúng tôi sẽ đi sâu và cung cấp thêm cho bạn thông tin chi tiết về thuốc Amoxicillin.

Amoxicillin là thuốc gì?

Amoxicillin (hoặc Amoxycillin) hay còn được gọi tắt là amox, đây là thuốc kháng sinh cùng họ với penicilin. Loại thuốc này là kháng sinh nhóm beta lactam, aminopeni-cilin.

Nó ngăn chặn các loại vi khuẩn gram dương như viêm họng, da tấy mủ hay nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi… Và các loại vi khuẩn gram âm gây ra một số bệnh về dạ dày, ruột, tá tràng…

Amoxicillin có những dạng nào?

Tại Hoa Kỳ, các thương hiệu sản xuất Amoxicillin bao gồm: Larotid, Amoxil, DisperMox, Moxilin và Trimox.

Thuốc Amoxicillin có rất nhiều dạng và cách đóng gói khác nhau

Thuốc Amoxicillin có rất nhiều dạng và cách đóng gói khác nhau

Amoxicillin có những dạng và hàm lượng sau:

  • Viên nang 250 mg, 500 mg Amoxicillin, dạng trihydrat.
  • Viên nén: 125 mg, 250 mg, 500 mg, 775mg, 875mg và 1 g Amoxicillin, dạng trihydrat.
  • Bột để pha hỗn dịch: Gói 125 mg, 250 mg Amoxicillin để pha 5 ml hỗn dịch dạng trihydrat.
  • Bột pha tiêm: Lọ 500 mg và 1 g Amoxicillin dạng muối natri.

Dược lý và cơ chế tác dụng của thuốc

Như đã đề cập, Amoxicillin là 1 dạng aminopenicilin. Nó có tính bền trong môi trường acid và có tác dụng rộng rãi hơn benzylpenicilin, đặc biệt có tác dụng chống trực khuẩn gram âm.

Tương tự như các penicilin khác, Amoxicillin có tác dụng diệt khuẩn nhờ khả năng ức chế sinh tổng hợp mucopeptid của thành tế bào vi khuẩn.

Amoxicillin phát huy hoạt tính với phần lớn các loại vi khuẩn gram âm và gram dương như: liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn không tạo penicilinase, H. influenzae, Diplococcus pneumoniae, N. gonorrheae, E. coli, và Proteus mirabilis.

Cũng như ampicilin, Amoxicillin không có hoạt tính với những vi khuẩn tiết penicilinase, đặc biệt các tụ cầu kháng methicilin, tất cả các chủng Pseudomonas và phần lớn các chủng Klebsiella và Enterobacter.

Trong ống nghiệm, Amoxicillin có tác dụng mạnh hơn ampicilin đối với Enterococcus faecalis và Salmonella spp, nhưng kém tác dụng hơn đối với Shigella spp. Phổ tác dụng của Amoxicillin có thể rộng hơn khi dùng đồng thời với sulbactam và acid clavulanic, một chất ức chế beta – lactamase.

Công thức hóa học của Amoxicillin khi đem phân tích trong phòng thí nghiệm

Công thức hóa học của Amoxicillin khi đem phân tích trong phòng thí nghiệm

Ðã có kết luận rằng E. coli kháng cả Amoxicillin phối hợp với acid clavulanic (16,8%).

Theo thông báo số 2 và số 3 năm 200 của Chương trình giám sát quốc gia về tình hình kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp (ASTS) thì mức độ kháng ampicilin của:

  • E.coli là 66,7%, Salmonella typhi là 50%,
  • Shigella là 57,7%, Acinetobacter spp. là 70,7%,
  • Các vi khuẩn đường ruột khác (Citrobacter, Enterobacter, Klebsiella, Morganella, Proteus, Serratia…) là 84,1%,
  • Streptococcus spp. là 15,4%,
  • Các chủng Enterococcus spp là 13,1%
  • Các chủng trực khuẩn Gram âm khác (Achromobacter, Chriseomonas, Flavobacterium, Pasteurella…) là 66,7%.

Như vậy có thể thấy rằng Amoxicillin là loại thuốc kháng sinh mạnh hơn ampicilin. Nó sẽ giúp ức chế và đẩy lùi các vi khuẩn gây bệnh một cách mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc như đối với trường hợp khuẩn E. coli nói trên.

Dược động học

Amoxicillin bền vững trong môi trường acid dịch vị. Do đó, bạn có thể hấp thu thuốc dễ dàng mà không bị ảnh hưởng bỏi thức ăn. Quá trình hấp thụ thuốc cũng nhanh và hoàn toàn hơn qua đường tiêu hóa so với ampicilin.

Khi uống cùng liều lượng như ampicilin, nồng độ đỉnh Amoxicillin trong huyết tương cao hơn ít nhất 2 lần. Amoxicillin phân bố nhanh vào hầu hết các mô và dịch trong cơ thể, trừ mô não và dịch não tủy. Nhưng khi màng não bị viêm thì Amoxicillin lại khuếch tán vào dễ dàng.

Các dạng Amoxicillin đều khá dễ hấp thụ

Các dạng Amoxicillin đều khá dễ hấp thụ

Các nghiên cứu cho thấy:

  • Sau khi uống liều 250 mg Amoxicillin 1 – 2 giờ, nồng độ Amoxicillin trong máu đạt khoảng 4 – 5 microgam/ml, khi uống 500 mg, nồng độ Amoxicillin đạt khoảng 8 – 10 microgam/ml. Tăng liều gấp đôi có thể làm nồng độ thuốc trong máu tăng gấp đôi.
  • Amoxicillin uống hay tiêm đều cho những nồng độ thuốc như nhau trong huyết tương. Nửa đời (thời gian cần thiết để nồng độ thuốc trong huyết tương giảm xuống còn một nửa) của Amoxicillin khoảng 61,3 phút, dài hơn ở trẻ sơ sinh và người cao tuổi. Ở người suy thận, nửa đời của thuốc dài khoảng 7 – 20 giờ.
  • Khoảng 60% liều uống Amoxicillin thải nguyên dạng ra nước tiểu trong vòng 6 – 8 giờ. Probenecid kéo dài thời gian thải của Amoxicillin qua đường thận. Amoxicillin có nồng độ cao trong dịch mật và một phần thải qua phân.

Tác dụng của thuốc Amoxicillin

Như đã phân tích về dược lý và cơ chế tác dụng ở phần trên, người ta sử dụng Amoxicillin để điều trị một số bệnh như sau:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa…
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới do liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn không tiết penicilinase và H. influenzae: viêm phổi, viêm phế quản…
  • Nhiễm khuẩn da, cơ do liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, E. coli nhạy cảm với Amoxicillin.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng: bệnh lậu.
  • Nhiễm Chlamydia trachomatis đường tiết niệu sinh dục ở người mang thai không dung nạp được erythromycin

Amoxicillin được dùng để điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra

Amoxicillin được dùng để điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra

  • Nhiễm khuẩn đường mật.
  • Viêm dạ dày – ruột (bao gồm viêm ruột do Salmonella, không do lỵ trực khuẩn)
  • Phối hợp với các thuốc khác trong điều trị nhiễm H. pylori ở bệnh nhân loét dạ dày tá tràng.
  • Viêm màng trong tim (đặc biệt để dự phòng ở bệnh nhân phẫu thuật hoặc nhổ răng), sốt thương hàn và sốt phó thương hàn.
  • Bệnh Lyme ở trẻ em hoặc phụ nữ có thai, cho con bú.
  • Bệnh than – một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính

Như vậy, Amoxicillin được chỉ định để điều trị trong hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, theo dược sĩ Dương Trường Giang – giảng viên trường Cao đẳng Dược TPHCM: Amoxicillin sẽ không hiệu quả để điều trị bệnh do nhiễm virus (ví dụ như: cảm lạnh thông thường, cảm cúm…)

Việc sử dụng trong trường hợp không cần thiết hoặc lạm dụng kháng sinh có thể khiến giảm hiệu quả của thuốc trong tương lai, gây khó khăn hơn trong việc điều trị sau này.

Liều lượng và cách sử dụng thuốc Amoxicillin

Đối với mỗi loại bệnh và dạng thuốc bào chế lại có liều dùng và cách sử dụng khác nhau. Mời bạn đọc tìm hiểu ngay dưới đây:

Cách sử dụng thuốc Amoxicillin:

Amoxicillin dạng trihydrat chỉ dùng đường uống, Amoxicillin dạng muối natri chỉ dùng đường tiêm.

  • Cách dùng thuốc dạng uống:

Hấp thu Amoxicillin không bị ảnh hưởng bởi thức ăn trong dạ dày, do đó có thể uống trước hoặc sau bữa ăn. Bột pha hỗn dịch khi dùng có thể trộn với sữa, nước quả, nước và uống ngay lập tức sau khi trộn.

Đối với dạng dung dịch, bạn nên lắc đều trước khi dùng thuốc. Bạn nên tuân theo chỉ dẫn trên bao bì thuốc.

Một số thuốc Amoxicillin dạng uống

Một số thuốc Amoxicillin dạng uống

Bạn có thể đo dung dịch thuốc bằng dụng cụ chia liều chuyên dụng. Nếu không có, bạn hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ. Bạn có thể uống dung dịch thuốc trực tiếp hoặc dùng chung với nước sữa, nước ép trái cây. Bạn nên uống thuốc hết ngay, không được để lại cho những lần dùng sau.

Thuốc viên nhai nên được nhai trước khi nuốt. Không nghiền nát, nhai, hoặc phá vỡ viên nén phóng thích. Bạn hãy nuốt toàn bộ thuốc.

  • Cách dùng thuốc dạng tiêm:

Có thể pha loãng dung dịch tiêm Amoxicillin trong dung dịch natri clorid 0,9% ở 23oC, và phải dùng trong vòng 6 giờ; hoặc pha loãng bằng dung dịch dextrose, dùng trong vòng 1 giờ; pha trong dung dịch natri lactat, dùng trong vòng 3 giờ.

– Tiêm bắp: Không dùng dung dịch pha tiêm tĩnh mạch để tiêm bắp. Dung dịch pha để tiêm bắp có alcol benzylic làm tiêm bắp không đau. Trẻ nhỏ và trẻ dưới 3 tuổi: Pha vào 5 ml nước cất để tiêm (không dùng ống tiêm chứa dung dịch pha có alcol benzylic).

– Tiêm tĩnh mạch: Tiêm chậm trực tiếp tĩnh mạch trong 3 – 4 phút. Truyền nhanh tĩnh mạch gián đoạn trong 30 – 60 phút.

Thời gian dùng thuốc:

Thời gian điều trị bằng Amoxicillin tùy thuộc vào loại và mức độ nhiễm khuẩn và được xác định bởi chẩn đoán lâm sàng và xét nghiệm vi khuẩn của bệnh nhân.

Thời gian dùng thuốc Amoxicillin phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ

Thời gian dùng thuốc Amoxicillin phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ

Trong phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn, cần tiếp tục điều trị ít nhất 48 – 72 giờ sau khi bệnh nhân không còn triệu chứng hoặc có bằng chứng đã hết nhiễm khuẩn. Nếu nhiễm khuẩn dai dẳng, cần quá trình điều trị vài tuần.

  • Trong điều trị nhiễm khuẩn gây ra bởi liên cầu khuẩn tan máu β nhóm A, cần tiếp tục điều trị ít nhất 10 ngày để giảm nguy cơ sốt thấp khớp và viêm thận tiểu cầu.
  • Với nhiễm khuẩn đường niệu mạn tính, cần đánh giá lâm sàng và xét nghiệm vi khuẩn thường xuyên trong và có thể vài tháng sau khi điều trị.
  • Dự phòng hậu phơi nhiễm và điều trị bệnh than trong chiến tranh sinh học, dùng Amoxicillin kéo dài trong 60 ngày.

Liều lượng sử dụng thuốc Amoxicillin theo khuyến cáo của chuyên gia

Theo như phần dược động học đã trình bày ở trên, người ta đã ứng dụng Amoxicillin với liều dùng cho từng bệnh như sau: (Lưu ý: Đây là liều dùng khuyến cáo cho những người có chức năng gan thận bình thường)

Liều dùng thuốc uống:

Liều dùng thuốc Amoxcillin

Liều dùng thuốc Amoxcillin

Liều dùng thuốc Amoxcillin

Liều tiêm cho người có chức năng thận bình thường

– Tiêm bắp:

  • Người lớn: 2 g/ngày chia 2 lần,
  • Trẻ em: 50 mg/kg/ngày

– Tiêm tĩnh mạch:

  • Người lớn: 2 – 12g/ngày.
  • Trẻ em (từ 1 tháng – 15 tuổi): 100–200 mg/kg/ngày.
  • Sơ sinh thiếu tháng (0 – 7 ngày tuổi): 100 mg/kg/ngày; (7 – 30 ngày tuổi): 100 – 150 mg/kg/ngày.
  • Sơ sinh đủ tháng (0 – 7 ngày tuổi): 100 – 150 mg/kg/ngày; (7 – 30 ngày tuổi): 100 – 200 mg/kg/ngày.

Cần cẩn trọng khi dùng thuốc cho trẻ em

Cần cẩn trọng khi dùng thuốc cho trẻ em

Liều dùng thuốc Amoxicillin đối với các bệnh nhân suy thận

Đối với người suy thận, phải giảm liều theo hệ số thanh thải creatinin:

  • Clcr < 10 ml/phút: 250 – 500 mg/24 giờ phụ thuộc vào mức độ nặng của nhiễm khuẩn.
  • Clcr: 10 – 30 ml/phút: 250 – 500 mg/12 giờ phụ thuộc vào mức độ nặng của nhiễm khuẩn.
  • Bệnh nhân suy thận nặng với Clcr < 30 ml/phút không được dùng viên nén chứa 875 mg Amoxicillin.
  • Bệnh nhân thẩm phân máu: 250 – 500 mg/24 giờ phụ thuộc vào mức độ nặng của nhiễm khuẩn và một liều bổ sung trong và sau mỗi giai đoạn thẩm phân.

Thời điểm thuốc phát huy tác dụng

Amoxicillin được hấp thu nhanh sau khi uống và có thể “khắc chế” vi khuẩn trong 1 – 2 giờ sau khi dùng. Tuy nhiên, có thể mất đến 24 – 72 giờ thì các triệu chứng nhiễm trùng mới bắt đầu giảm.

Tương tác thuốc

Amoxicillin có thể kết hợp với một số dạng thuốc như clarithromycin và lansoprazole để trị bệnh về dạ dày hiệu quả. Nhưng với các thuốc khác, có thể có những tương tác không mong muốn.

Tương tác có thể xảy ra với:

  • Thuốc chống đông máu như warfarin
  • Các loại thuốc điều trị bệnh gút, chẳng hạn như probenecid và allopurinol
  • Các kháng sinh khác: như chloramphenicol, macrolides, sulfonamides và tetracycline
  • Methotrexate, được sử dụng trong điều trị ung thư
  • Một số loại thuốc giãn cơ
  • Vắc xin phòng chống bệnh thương hàn (dạng uống)

Thuốc có thể tương tác với một số loại kháng sinh khác

Thuốc có thể tương tác với một số loại kháng sinh khác

Tương tác bao gồm:

  • Tăng hoặc giảm hiệu quả của các thuốc khác
  • Tăng độc tính bằng cách giảm khả năng bài tiết của cơ thể sau khi sử dụng

Ngoài ra, cần lưu ý khi sử dụng Amoxicillin trong khi sử dụng các loại thuốc khác:

  • Nifedipin làm tăng hấp thu Amoxicillin.
  • Khi dùng alopurinol cùng với Amoxicillin hoặc ampicilin sẽ làm tăng khả năng phát ban của ampicilin, Amoxicillin.
  • Không được trộn chung dung dịch tiêm Amoxicillin với bất kỳ một thuốc nào trong cùng một bơm tiêm.
  • Không được trộn chung Amoxicillin tiêm với các thuốc: Hydrocortison sucinat, các sản phẩm máu, các dung dịch aminoacid, các nhũ dịch truyền lipid, các aminoglycosid.

Tác dụng phụ của thuốc Amoxicillin

Gọi cấp cứu nếu bạn có bất cứ dấu hiệu tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Amoxicillin dưới đây:

  • Dị ứng: phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng.
  • Có các mảng trắng hoặc lở loét trong miệng hoặc trên môi
  • Sốt, sưng hạch, nổi mẩn, ngứa, đau khớp, hoặc cảm giác bị bệnh nói chung
  • Da tái hoặc vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, sốt, rối loạn hay suy yếu
  • Ngứa ran, tê, đau, suy nhược cơ nặng
  • Bầm tím, chảy máu bất thường (ở mũi, miệng, âm đạo hoặc trực tràng), xuất hiện đốm tím hoặc đỏ dưới da
  • Dị ứng da nghiêm trọng – sốt, đau họng, sưng mặt hoặc lưỡi, rát mắt, đau da, đi kèm phát ban da đỏ hoặc tím lan rộng (đặc biệt là ở mặt hoặc vủng cơ thể phía trên), gây phồng rộp và bong tróc.

Mề đay là một trong số những tác dụng phụ do Amoxicillin gây ra

Mề đay là một trong số những tác dụng phụ do Amoxicillin gây ra

Ngoài ra còn có các tác dụng phụ ít nghiêm trọng bao gồm:

  • Đau dạ dày, buồn nôn, nôn mửa
  • Ngứa âm đạo, tiết dịch
  • Lưỡi sưng, có màu đen, hoặc nổi “gai” lưỡi
  • Gan: Tăng nhẹ SGOT (AST).
  • Thần kinh trung ương: Kích động, vật vã, lo lắng, mất ngủ, lú lẫn, thay đổi ứng xử và/hoặc chóng mặt.
  • Tiêu hóa: Viêm đại tràng có màng giả do Clostridium difficle; viêm tiểu kết tràng cấp với triệu chứng đau bụng và đi ngoài ra máu, không liên quan đến Clostridium difficle.
  • Máu: Thiếu máu, giảm tiểu cầu, ban xuất huyết giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt.
  • Các thuốc kháng sinh có thể gây tiêu chảy, điều này có thể là một dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng mới. Nếu bạn bị tiêu chảy có phân lỏng hoặc chảy máu, ngừng dùng Amoxicillin và đến gặp bác sĩ. Không sử dụng thuốc trị tiêu chảy trừ khi bác sĩ chỉ định.

Hướng dẫn cách xử trí tác dụng phụ của thuốc Amoxicillin

Những phản ứng không mong muốn của Amoxicillin ở đường tiêu hóa, ở máu thường mất đi khi ngừng điều trị. Khi viêm đại tràng có màng giả nặng, cần bồi phụ nước, điện giải và protein; điều trị bằng metronidazol và vancomycin đường uống.

Mề đay, các dạng ban khác và những phản ứng giống bệnh huyết thanh có thể điều trị bằng kháng histamin. Nếu cần, có thể dùng liệu pháp corticosteroid toàn thân.

Tuy nhiên khi phản ứng như vậy xảy ra, phải ngừng dùng Amoxicillin, trừ khi có ý kiến của bác sĩ trong những trường hợp đặc biệt, nguy hiểm đến tính mạng mà chỉ có Amoxicillin mới giải quyết được.

Khi gặp các tác dụng phụ, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấ và xử lý kịp thời

Khi gặp các tác dụng phụ, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấ và xử lý kịp thời

Nếu phản ứng dị ứng xảy ra như ban đỏ, phù Quincke, sốc phản vệ, hội chứng Stevens – Johnson, phải ngừng liệu pháp Amoxicillin và ngay lập tức điều trị cấp cứu bằng adrenalin, thở oxy, liệu pháp corticoid tiêm tĩnh mạch và thông khí, kể cả đặt nội khí quản và không bao giờ được điều trị bằng penicilin hoặc cephalosporin nữa.

Những lưu ý khi dùng thuốc Amoxicillin

Dưới đây là những lưu ý cơ bản cho bạn khi sử dụng thuốc Amoxicillin:

Bạn nên sử dụng Amoxicillin như thế nào?

Bạn cần tuân thủ những hướng dẫn, lưu ý sau đây:

  • Nên dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không dùng với lượng nhiều hơn, ít hơn hay lâu hơn. Bạn nên dùng thuốc vào cùng một khoảng thời gian mỗi ngày.
  • Một số dạng của Amoxicillin có thể được dùng cùng hoặc không cùng với thức ăn. Bạn nên kiểm tra thông tin thuốc để biết thuốc mình đang dùng có thể dùng kèm với thức ăn hay không.
  • Trong khi sử dụng Amoxicillin, bạn có thể cần xét nghiệm máu thường xuyên. Bạn cũng cần kiểm tra chức năng thận và gan.
  • Nếu bạn đang dùng Amoxicillin với clarithromycin và / hoặc lansoprazole để điều trị loét dạ dày, hãy sử dụng tất cả các loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Không chia sẻ thuốc này với người khác, ngay cả khi họ có cùng một triệu chứng giống bạn.
  • Bệnh nhân bị phenylketon niệu và bệnh nhân cần kiểm soát lượng phenylalanin phải thận trọng khi uống viên hoặc bột để pha hỗn dịch uống có chứa aspartam do aspartam chuyển hóa trong đường tiêu hóa thành phenylalanin.
  • Amoxicillin cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm chẩn đoán nhất định, chẳng hạn như xét nghiệm glucose nước tiểu. Điều này có thể dẫn đến kết quả dương tính giả. Vì vậy, hãy cho bác sĩ biết bạn đang sử dụng Amoxicillin trước khi làm bất kỳ xét nghiệm nào.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc Amoxicillin

Những lưu ý khi sử dụng thuốc Amoxicillin

Bảo quản thuốc Amoxicillin như thế nào?

Thuốc cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời, tránh nơi ẩm thấp và để xa tầm tay trẻ em. Ngoài ra, cần lưu ý:

  • Các dạng viên nang và bột cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 20 °C (68 °F)
  • Dạng viên nén cần bảo quản ở hoặc dưới 25 °C (77 °F).

Nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên uống 1 liều, hãy uống càng sớm càng tốt, ngay lập tức khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu nó gần với liều kế tiếp của bạn thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống theo như kế hoạch.

Tránh trường hợp uống 2 liều quá gần nhau hoặc uống gấp đôi liều quy định để bù cho lần bạn đã quên. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng quá liều rất nguy hiểm.

Điều gì sẽ xảy ra nếu dùng quá liều?

Hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất nếu bạn nghĩ rằng mình đã sử dụng thuốc quá liều.

Các triệu chứng quá liều có thể bao gồm nhầm lẫn, thay đổi hành vi, phát ban da nghiêm trọng, đi tiểu ít hơn bình thường hoặc động kinh, co giật.

Thận trọng, cảnh báo khi sử dụng thuốc Amoxicillin

Khi dùng thuốc, bạn cần thận trọng với những điều sau:

Thận trọng nếu bạn bị dị ứng

Thông báo với bác sĩ và dược sĩ về các thuốc kê theo toa và không kê theo toa khác, vitamin và các chất bổ sung dinh dưỡng mà bạn đang dùng hoặc dự định dùng.

Hãy nói với bác sĩ nếu bạn từng mắc bệnh thận, dị ứng, hen suyễn, sốt mùa hè, nổi mề đay, hoặc bệnh phenylceton niệu…

Trước khi sử dụng Amoxicillin, hãy nói với bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với cephalosporin như Omnicef®, Cefzil®, Ceftin®, Keflex® và những thuốc khác. Cũng nên nói với bác sĩ nếu bạn mắc bệnh hen, gan hoặc thận, chảy máu hoặc rối loạn đông máu, mononucleosis (còn gọi là “mono”) hoặc bất kỳ loại dị ứng nào.

Không sử dụng thuốc này nếu bạn bị dị ứng với Amoxicillin hoặc các kháng sinh penicillin khác, chẳng hạn như ampicillin (Omnipen®, Principen®), dicloxacillin (Dycill®, Dynapen®), oxacillin (Bactocill®), penicillin (Beepen-VK®, Ledercillin VK®, Pen- V®, Pen-Vee K®, Pfizerpen®, V-Cillin K®, Veetids®) và những thuốc khác.

Thận trọng khi KHÔNG MUỐN mang thai

Amoxicillin có thể làm giảm hiệu quả của thuốc ngừa thai.

Do đó, bạn hãy hỏi bác sĩ về phương pháp ngừa thai không dùng hormone (như bao cao su, màng ngăn tránh thai, chất diệt tinh trùng) trong khi dùng thuốc này.

Phụ nữ có thai cần cẩn trọng khi muốn sử dụng Amoxicillin

Phụ nữ có thai cần cẩn trọng khi muốn sử dụng Amoxicillin

Thời kỳ mang thai

Sử dụng Amoxicillin trong thời kỳ mang thai có an toàn hay không chưa được xác định rõ ràng. Vì vậy, nếu bạn đang mang bầu, chỉ nên sử dụng thuốc trong trường hợp thật sự cần thiết.

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào về tác dụng có hại cho thai nhi khi dùng Amoxicillin cho người mang thai. Amoxicillin là thuốc được lựa chọn để điều trị nhiễm Chlamydia và điều trị bệnh than ngoài da hoặc đề phòng sau khi tiếp xúc với bào tử Bacillus anthracis ở phụ nữ mang thai.

Thời kỳ cho con bú

Amoxicillin bài tiết vào sữa mẹ, tuy nhiên lượng thuốc trong sữa rất ít và an toàn cho trẻ sơ sinh ở liều thường dùng.

Do đó, bạn có thể dùng Amoxicillin cho phụ nữ thời kỳ cho con bú. Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ trẻ nhỏ khi dùng.

Những cảnh báo bạn cần biết khi sử dụng thuốc Amoxicillin:

  • Có thể xảy ra phản ứng quá mẫn trầm trọng ở những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicilin hoặc các dị nguyên khác
  • Dùng liều cao Amoxicillin cho người suy thận hoặc người có tiền sử co giật, động kinh có thể gây co giật, mặc dù rất hiếm gặp.
  • Tiểu ít là một nguy cơ để thuốc kết tinh, phải uống nhiều nước khi dùng thuốc.
  • Trong điều trị bệnh Lyme, cần chú ý có thể xảy ra phản ứng Jarisch-Herxheimer.
  • Có nguy cơ phát ban cao ở bệnh nhân tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.

Giá bán thuốc Amoxicillin. Mua thuốc ở đâu?

Dưới đây là giá bán một số loại thuốc Amoxicillin trên thị trường Việt Nam hiện nay:

  • Thuốc kháng sinh Amoxicillin 250mg dạng viên có giá 70.000 đồng/ hộp 100 viên
  • Thuốc kháng sinh Amoxicillin 500mg dạng viên có giá 100.000 đồng/ hộp 100 viên
  • Thuốc Amoxicillin 250mg dạng gói có giá 75.000 đồng/  hộp 30 gói

Giá bán có thể dao động lên xuống tùy thuộc vào từng điểm bán và thời điểm mua. Bạn có thể tìm mua thuốc tại hầu hết các nhà thuốc lớn trên toàn quốc. Hãy tới các nhà thuốc uy tín để mua được thuốc đảm bảo chất lượng.

Trên đây, chúng tôi đã trình bày cho bạn những thông tin về thuốc Amoxicillin. Mong rằng chúng sẽ có ích cho bạn. Chúc các bạn luôn có nhiều sức khỏe!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
zalo